Xã hội

Từ ngày 18-3, khi hỏi cung bị can, bắt buộc phải ghi âm, ghi hình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Liên ngành Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018 về trình tự; thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Những quy định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 3 năm 2018.

Theo Thông tư liên tịch, cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải đăng ký với cán bộ chuyên môn tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để được bố trí phòng chuyên dụng, hướng dẫn về quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau đó, cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội làm thủ tục trích xuất đối với bị can bị tạm giam hoặc triệu tập bị can đang tại ngoại (hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội) theo quy định của pháp luật (không được đưa bị can tại ngoại vào hỏi cung ở cơ sở giam giữ, trừ trường hợp đối chất với bị can đang bị tạm giam).

Khi được bố trí phòng làm việc, cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đến phòng làm việc, thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết về việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, việc thông báo phải ghi vào biên bản sau đó tiến hành làm việc.

Thông tư nêu rõ, thời gian ghi âm, ghi hình bắt đầu từ khi cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội nhấn nút bắt đầu, cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải đọc thời gian bắt đầu và ghi rõ trong biên bản.

Trong quá trình hỏi cung hoặc lấy lời khai có thể tạm dừng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bằng cách nhấn nút tạm dừng. Trước khi tạm dừng cán bộ hỏi cung, lấy lời khai phải đọc rõ thời gian tạm dừng, lý do tạm dừng, khi tiếp tục làm việc cũng phải đọc rõ thời gian tiếp tục, quá trình này được ghi rõ trong biên bản. Kết thúc buổi làm việc, cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết buổi hỏi cung hoặc lấy lời khai kết thúc và nhấn nút kết thúc, thời gian kết thúc ghi rõ trong biên bản.

Thông tư cũng quy định, trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội. Trường hợp đang hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai. Việc này ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.

Hoàng Yên/ĐSPL

Có thể bạn quan tâm