Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Tự phê bình và phê bình trên báo chí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại mà còn là một nhà báo xuất sắc, là người đã sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã viết hàng ngàn bài báo ở trong nước và nước ngoài với hàng chục bút danh khác nhau. Đặc biệt, Bác rất quan tâm đến vấn đề tự phê bình và phê bình trên báo chí.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tại lớp chỉnh đốn Đảng Trung ương ngày 17-3-1953, Bác trực tiếp đến dự và có bài phát biểu, trong đó nêu lên cách viết báo như thế nào và nhấn mạnh: “Nói tóm lại, viết cũng như mọi chuyện khác phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ. Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được”. Trong bài nói chuyện tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (tháng 9-1962), Bác chỉ rõ: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa những sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và nhân dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”. Phê bình trên báo chí phải rõ ràng, mang tinh thần xây dựng và phải có trách nhiệm cụ thể. Vì vậy Bác căn dặn: “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm”.

Điều Bác quan tâm nhất là tác dụng của việc phê bình trên báo chí. Bác chỉ ra những việc có lợi và có hại trong vấn đề này: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời, để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân chính, đúng đắn, chứ không phải để cho địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền”.

Trước đây cũng như hiện nay, nhiều cá nhân và đơn vị có khuyết điểm được báo chí phê bình mà vẫn không chịu nhận khuyết điểm để sửa chữa, thậm chí còn kêu oan hoặc đi khiếu kiện và không ít cơ quan, cá nhân tỏ ra hằn học báo chí, trù dập người phê bình. Hiểu rõ vấn đề này, Bác đã nói: “Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà khiêm tốn. Phê bình đúng thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa, nếu phê bình sai, đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình. Có một vài cán bộ cơ quan vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo, lại còn có thái độ không tốt đối với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt”. Mặt khác, Bác căn dặn báo chí phải coi trọng công tác phê bình: “Các báo cũng cần khuyến khích quần chúng góp ý kiến và phê bình báo mình cùng tiến bộ... chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tự phê bình và phê bình trên báo chí vẫn luôn mang tính thời sự và là bài học quý giá cho mỗi người, mỗi cơ quan nói chung và cho ngành báo chí nói riêng.
Mai Hiên

Có thể bạn quan tâm