Sống trẻ - Sống đẹp

Từ 'phù thủy' tóc đến ma thuật bonsai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khởi nghiệp từ nghề cắt tóc ở phố núi Tây Nguyên, Mody Trần quyết tâm bỏ tiền qua Thượng Hải, Đài Loan, châu Âu học nâng cao tay nghề. Anh có đam mê kỳ lạ với cây kiểng, cất công săn tìm những cây bonsai độc nhất vô nhị.

Cây khế chua cổ thụ lúc mới được phát hiện trông như tảng đá xấu xí
Cây khế chua cổ thụ lúc mới được phát hiện trông như tảng đá xấu xí

Từ “tảng đá xấu xí” bị chê…

“Giữa lòng Ban Mê, cậu này sở hữu hàng loạt cây bonsai độc lạ, trị giá hàng chục tỷ đồng. Chơi vì đam mê, không phô trương ra ngoài. Cậu này còn như “phù thủy” về tạo mẫu tóc ở Đắk Lắk… Mai em rảnh không, anh dẫn lên thực tế?”, nghe người quen giới thiệu, tôi không khỏi tò mò, nhận lời ngay.

Sáng hôm sau, từ trung tâm TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi ghé qua Mody Hair Beauty Salon của nhà tạo mẫu Mody Trần, tên thật Trần Văn Thọ (sinh năm 1992, trú xã Hoà Thuận, TP Buôn Ma Thuột) đón chàng trai trẻ đa tài về thực tế vườn cây khủng của anh.

Giữa cái nắng chói chang Tây Nguyên, tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng loạt cây bonsai có 1-0-2 ở đây. Thọ cho hay, sinh ra ở núi rừng Tây Nguyên nên cậu mê thiên nhiên từ nhỏ.

Cách đây 6-7 năm, Thọ bắt đầu tìm hiểu các loại bonsai nhỏ. Sau đó, hình ảnh các cây độc lạ xuất hiện nhiều trên mạng xã hội nên anh càng có cơ hội đi sâu tìm hiểu. Đam mê nhưng phải khác biệt, độc lạ, ý tưởng tạo tác các cây bonsai riêng xuất hiện trong đầu Thọ từ đấy.

Điểm đặc biệt, Thọ chỉ thích chơi cây có nu (u sần của thân, gốc qua năm tháng). Thông thường trong 1.000 cây gỗ chỉ một vài cây có nu. Và nu Thọ săn tìm chủ yếu cây nu tròn 100% tự nhiên, không có sự can thiệp của bàn tay con người. Sau khi săn tìm về, Thọ bắt đầu tạo tác. Hiện vườn cây của chàng trai trẻ này đa dạng chủng loại như trâm, dâu, vú sữa, sơ-ri, khế, bưởi, ổi.

“Có cây khi mang từ nước ngoài về tới nhà ở Đắk Lắk nó “ngủ đông” 7-8 tháng, tưởng chết. Một khi nó đã chết thì mình mất trắng bởi cây cảnh thường không khai thác được về mặt gỗ”, Thọ nói rồi chỉ cho tôi tới xem cây bonsai được mua từ Lào về đang đâm chồi, nảy lộc.

Nhắc đến đây, Thọ mở cho tôi xem ảnh về cây khế cổ thụ lần đầu được một người dân xa lạ gửi cho anh qua facebook.

“Cơn lũ năm 2009 càn quét, cuốn trôi nhiều hoa màu, cây cối ở Phú Yên. Khoảng 19h hôm đó, bỗng một người dân gửi cho tôi xem ảnh một cây khế bị ngã đổ, nằm ngang ven suối. Thoạt nhìn trông như một tảng đá đen sì, xấu xí bị bùn đất và lau lách che phủ”, Thọ kể.

Như linh tính mách bảo có gì đó bí ẩn, sáng hôm sau Thọ bắt ngay xe khách xuống Phú Yên. Từ trung tâm TP Tuy Hòa vào tới huyện Đồng Xuân, nơi có cây khế này khoảng 90km. Khi vào tới nơi, mắt thấy tay sờ, Thọ mới tin đó đích thị là cây khế.

Cây khế sau thời gian được Thọ chăm sóc, tỉa tót, tạo tầng tán đã “lột xác”
Cây khế sau thời gian được Thọ chăm sóc, tỉa tót, tạo tầng tán đã “lột xác”

Khu vực này chủ yếu người dân trồng keo để lấy gỗ làm giấy. Cây khế bị mưa lũ quét đổ nằm ở bờ bụi ven suối, ít người để ý. Các bụi tre, lau sậy bao phủ xung quanh, dây leo chằng chịt. Thọ tìm thuê người phát quang, đào gốc. Càng đào càng thấy gốc cây dài ra do bị bùn đất vùi lấp trước đó. Sau mấy tiếng đồng hồ hì hục đào, cây khế hiện ra với tổng trọng lượng khoảng… 5 tấn.

Thọ tính thuê xe cày (còn gọi xe công nông) của người dân ở địa phương tới kéo gốc cây lên, song bất khả thi. Suy đi tính lại, Thọ đành phải điều xe cẩu 5 tấn từ huyện Ea Súp (Đắk Lắk) xuống Phú Yên. Trong thời gian này, anh đi làm việc với chính quyền địa phương để thương lượng cho di chuyển xe vào khu vực cây khế.

Đáng nói, khi mang được cây khế này về nhà, giới chơi cây cảnh không ít lời chê bai, cho rằng ai lại mang khúc gỗ trơ trụi như tảng đá (do bị cắt hết cành tán) vậy về nhà. Hơn nữa, chơi cây cảnh đa phần cây nhỏ, mấy ai dám chơi cổ thụ như Thọ. Kể cả mẹ anh cũng không đồng ý việc cắt trơ trụi như vậy.

Tuy nhiên, sau khi cho vào chậu, bồi đắp đất, phủ lưới che nắng mưa, chỉ hai năm sau, cây khế bắt đầu đâm chồi nảy lộc mơn mởn. Thọ bắt đầu uốn nắn cành tán, tạo thế dần. Từ đó, ít ai dám hỏi giá cây khế.

“Lúc mua về cây khế chỉ có giá 150 triệu đồng, nhưng cuối năm rồi có người đã trả 2,5 tỷ đồng. Giờ phải 5 tỷ tôi mới bán. Hơn nữa, chưa chắc tôi bán vì từ khi mang cây khế này về nhà, lộc lá cứ đến với tôi. Bản thân cũng đã bán được rất nhiều cây cảnh khác, giá toàn tiền tỷ”, Thọ phấn khởi.

Theo Thọ, đây là cây khế gân chua, tuổi đời khoảng 200 năm, hiện thân cây cao khoảng 3,5m, tán rộng 3,5m, hoành thân, hai người ôm không xuể. Thân khế gân guốc với những thớ u khoẻ mạnh, cứng cáp. Cây khế này được đặt cạnh hai cây khế cổ thụ Thọ mua từ Lào và Thái Lan.

Cây tre vô cực lúc mới được người dân phát hiện
Cây tre vô cực lúc mới được người dân phát hiện
Cây tre vô cực sau khi Thọ mua về chăm sóc
Cây tre vô cực sau khi Thọ mua về chăm sóc

…đến cây tre vô cực như còng số 8

Ngồi uống nước ngay cạnh hiên nhà, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một cây tre xanh rì, uốn hình như… còng số 8. Qua anh Thọ, chúng tôi được biết, trước đó, cuối năm 2023, hai người dân đi làm rẫy ở xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk phát hiện cây này trong một bụi tre rậm rạp, đầy gai ven suối.

Anh Vụ - một trong hai người phát hiện cây tre cho PV Tiền Phong biết, quá thích vì thấy cây tre độc lạ. Sau đó anh và người đi cùng đã tìm cách cắt tỉa gai, cành xung quanh rồi đào. Mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, hai người mới đào được cây tre này lên, tìm cách vận chuyển về nhà.

Ban đầu, anh Vụ tính chặt về làm cái giá treo đèn, sau thấy tiếc nên đào cả bầu đất về trồng. Sau khi chia sẻ thông tin qua mạng xã hội và một số kênh, lập tức có một phụ nữ đến hỏi mua cây tre này của anh Vụ với giá 1 triệu đồng, rồi bán lại cho một người khác bên Gia Lai. Thọ lướt mạng xã hội, biết được thông tin liền liên hệ tới xem và mua lại với giá lúc này đã lên tới…14 triệu đồng.

Đầu tháng 9 vừa qua, chứng kiến sự mất mát, đau thương, thiệt hại của đồng bào các tỉnh phía Bắc do ảnh hưởng bão Yagi, Thọ đã tổ chức đấu giá từ thiện trực tuyến một cây khế chua bonsai có thế “Phu thê sinh quý tử”. Số tiền thu được 30 triệu đồng sau đấu giá, Thọ đã mua các loại nhu yếu phẩm mang đi gửi theo đoàn thiện nguyện ra trao cho người dân.

Là một người chơi cây bonsai khoảng 6-7 năm, đây là lần đầu tiên thanh niên này gặp cây tre tự nhiên có dáng hình độc đáo đến vậy. “Ở Việt Nam chưa tìm thấy cây tre thứ 2 nào hoàn hảo như này. Từ gốc đến ngọn đều một màu xanh đồng nhất, không loang lổ xanh vàng như những cây tre khác”, Thọ nói và cho biết thêm, hiện một số người trả giá cây tre trên 100 triệu đồng nhưng anh không bán, để chơi và đem đi triển lãm vài nơi đã.

Nghe Thọ chia sẻ tiền bán cây cảnh cũng được vài tỷ đồng, tôi cười: “Lãi còn hơn cả buôn bất động sản. Vậy cắt tóc chỉ là đam mê, làm cho vui phải không?”, Thọ cười: “Đó là đam mê chính của tôi. Không có cắt tóc thì không có Mody Trần hôm nay”.

Thọ bắt đầu học nghề cắt tóc ở TP Buôn Ma Thuột hồi 2010, sau 5 năm, có chút vốn liếng, anh đứng ra mở tiệm riêng. Anh từng ra Hà Nội rồi đi Thượng Hải, Đài Loan, châu Âu để mở mang đầu óc, học nâng cao tay nghề.

Hiện, salon tóc ở TP Buôn Ma Thuột của anh đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 10 người, với thu nhập trung bình 7-8 triệu/tháng. Thi thoảng Thọ đi tập huấn, truyền nghề cho khách hàng ở Hà Nội, TPHCM, Huế,…

Tới nay, anh đã đào tạo tay nghề cho khoảng 200 học viên. Nhiều người trong số đó đã tìm được hướng đi riêng cho mình, đạt được thành tựu đáng kể trong thế giới tóc rộng lớn. Thọ được mọi người nhắc tới với nghệ danh Mody Trần, tên tuổi uy tín trong ngành tóc ở Tây Nguyên.

Theo AN PHÚ (TPO)

Có thể bạn quan tâm