Nhiều chính sách mới trong lĩnh vực quản lý thuế sẽ có hiệu lực từ tháng 12.2020.
Nghị định 126 nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn |
Từ 5.12, ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế
Đây là thông tin đáng chú ý tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5.12.2020.
Khoản 2 Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.
Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu không được thấp hơn 75%
Đây cũng là một nội dung rất đáng chú ý đối với các doanh nghiệp tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Điểm b khoản 6 Điều 8 của Nghị định chỉ rõ:
Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.
Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, hết ngày 31.10 hàng năm số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 03 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm; nếu nộp thấp hơn doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp.
Làm mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05.12.2020, trong đó có quy định mức phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn.
Mức phạt cụ thể như sau:
Phạt cảnh cáo nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng có tình tiết giảm nhẹ; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế.
Phạt từ 03 - 05 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng)
Phạt từ 04 - 08 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập…
Phạt từ 08 - 10 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên.
Theo Vương Trần - Cao Nguyên (LĐO)