Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Tự tin "rẽ trái"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bỏ qua nhiều cơ hội bước vào giảng đường đại học, không ít bạn trẻ đã chọn “rẽ trái”-tức học nghề. Với các bạn, học nghề là cách tiết kiệm thời gian, chi phí và có thể bắt tay vào công việc yêu thích một cách nhanh chóng nhất.
17,75 là điểm khối C mà em Nguyễn Thị Ước (lớp 12A6, Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang) đạt được tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Sau khi điểm chuẩn của các trường đại học được công bố, Ước biết cơ hội để vào đại học của mình là rất cao. Tuy nhiên, em giữ nguyên quyết định đi học nghề đầu bếp mà em yêu thích. “Lý do em chọn học nghề là do thấy nhiều anh chị sau khi tốt nghiệp đại học trở về huyện mở quán ăn, quán cà phê nhỏ hoặc làm những công việc không dính dáng gì tới ngành nghề đã học. Đi học đại học có khi mất thời gian và tiền bạc mà chẳng hiệu quả nên em quyết định đi học nấu ăn-công việc mà em yêu thích”.
 Nhiều sinh viên đã chọn học nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí và có thể bắt tay vào công việc yêu thích một cách nhanh chóng nhất. Ảnh: K.N.B
Nhiều sinh viên đã chọn học nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí và có thể bắt tay vào công việc yêu thích một cách nhanh chóng nhất. 
Lựa chọn Trường Hướng nghiệp Á-Âu (TP. Đà Nẵng) để theo học khóa đầu bếp 6 tháng, Ước rất hài lòng bởi môi trường học tập chuyên nghiệp. Ước cho biết: “Ở đây, chúng em được học với những giảng viên nổi tiếng trong ngành như thầy Nguyễn Văn Lập-siêu đầu bếp năm 2013, Tiến sĩ ẩm thực Nguyễn Thị Diệu Thảo... Các thầy cô nhiệt tình chỉ dạy từ lý thuyết đến thực hành. Dù mới theo học một thời gian ngắn nhưng em thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Em hy vọng, kết thúc khóa học 6 tháng với chi phí khoảng 30 triệu đồng, em sẽ thỏa đam mê bếp núc và có thể nuôi sống bản thân”.
Cùng chung hy vọng với cô bạn đồng hương, em Lê Viết Sang (học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học, huyện Chư Pưh) cũng khá hài lòng với môi trường học nghề tại Trường Hướng nghiệp Á-Âu. Sang bày tỏ: “Em đạt 21 điểm tại kỳ thi THPT nhưng vẫn quyết định đi học nghề bởi 2 lý do: cơ hội việc làm và niềm đam mê. Em dự định sau khóa học 6 tháng sẽ xin việc làm tại các nhà hàng ở Đà Nẵng. Sau khi vững vàng về tay nghề, chuyên môn và cả kinh nghiệm, em sẽ nghĩ đến việc xây dựng sự nghiệp riêng”.
Một trường hợp khác là Nguyễn Minh Toàn (học sinh Trường THPT Trường Chinh, huyện Chư Sê). Dù đỗ vào ngành Huấn luyện Thể thao-Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng nhưng em rẽ ngang học nghề sửa chữa ô tô tại TP. Pleiku. Điện ô tô, đồng ô tô, sơn ô tô đều là những công việc mà Toàn yêu thích. Theo Toàn, em có thể ăn, ngủ cùng với động cơ, máy móc miễn là liên quan đến ô tô. Bỏ qua cơ hội trở thành sinh viên đại học, Toàn cho rằng: “Em nghĩ vào đại học cũng có cái hay, có nhiều thời gian để học hành, bồi bổ kiến thức nhưng cơ hội việc làm ngành em thi đậu lại không cao như học nghề sửa chữa ô tô nên em quyết định rẽ hướng. Thật may mắn là bố mẹ rất ủng hộ quyết định đi học nghề của em”.
Sự ủng hộ của phụ huynh là một trong những yếu tố quan trọng giúp các bạn trẻ học nghề thực hiện đúng mong muốn. Tư tưởng muốn con vào được đại học cho bằng “con nhà người ta” dần được các bậc phụ huynh nhìn nhận lại. Bà Võ Thị Cảnh-mẹ của em Nguyễn Thị Ước-cho biết: “Khi con nói ra quyết định đi học nghề, tôi rất ủng hộ, động viên cháu cũng như thuyết phục bố cháu đồng ý. Chỉ cần làm những gì mình muốn, đam mê thì con sẽ có cuộc sống tốt về sau”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm