Xã hội

Đời sống

Từ “Triết lý kinh tế vừa đủ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Biết đủ thì là đủ, không biết đủ thì không bao giờ là đủ cả”. Lĩnh hội tinh thần ấy của đạo Phật, từ những năm 70 của thế kỷ trước, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã đề xuất “Triết lý kinh tế vừa đủ”.

1. “Triết lý kinh tế vừa đủ” được xem là kim chỉ nam định hướng lối sống và hành vi của người Thái, giúp họ có thể hưởng lợi từ sự phát triển của đất nước một cách công bằng, toàn diện và bền vững. Triết lý này hướng tới con người và môi trường chứ không phải là khai thác tối đa lợi nhuận. Nguyên tắc sống và thực hành hướng đến sự cân bằng ấy sẽ mang lại hạnh phúc bền vững. Trong thời đại cổ súy cho thói quen tiêu thụ, khai thác quá mức thì triết lý trên như một lời cảnh tỉnh. Biết đủ, không vì chạy theo lợi nhuận mà gây tổn thương môi trường cũng đồng nghĩa với việc ngừng làm tổn thương chính mình, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phòng trưng bày “Triết lý kinh tế vừa đủ” của cố Quốc vương Thái Lan tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh (cơ sở Thủ Đức). Ảnh Internet

Vài năm trở lại đây, Dự án áp dụng “Triết lý kinh tế vừa đủ” đã được Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Thái Lan (TICA) hỗ trợ triển khai tại tỉnh Thái Nguyên trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Nông dân tỉnh Bến Tre cũng được đưa sang Thái Lan học tập mô hình sản xuất nông nghiệp theo triết lý trên. Tại Gia Lai, tháng 9-2023, kỹ sư nông nghiệp Trần Thái Bình (hiện đang làm việc tại nông trại bền vững Green Beli Farm, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) cũng trúng tuyển một học bổng ngắn hạn tại Thái Lan với chương trình đào tạo chuyên sâu về nguyên tắc “Triết lý kinh tế vừa đủ”. Ngoài ra, anh Bình và các học viên còn được tham quan các mô hình áp dụng triết lý này trong bối cảnh đô thị, thăm Cộng đồng Kinh tế vừa đủ/Kinh tế Phật giáo Asoke, ngôi chùa tái chế rác Wat Chak Daeng… Những kiến thức, trải nghiệm ấy thực sự hữu ích khi được áp dụng nhằm phục vụ cộng đồng tại địa phương.

Được biết, 2 trong tổng số 5 ha tại nông trại bền vững Green Beli Farm được sử dụng vào mục đích không mang lại lợi nhuận tức thì. Cụ thể, 1 ha được phủ xanh bởi những cây thông non; 1 ha trồng cà phê, hồ tiêu được phát triển hoàn toàn tự nhiên theo hướng vườn rừng bền vững, không phân thuốc hay làm cỏ. Theo lý giải của anh Trương Đức Thắng-Chủ nông trại, không thể nóng vội trong câu chuyện lợi nhuận mà bỏ qua yếu tố môi trường. Cũng với nhận thức về kinh tế vừa đủ, một cộng đồng làm nông nghiệp bền vững dần hình thành và liên kết tại Gia Lai như một tín hiệu đáng mừng.

2. Từ câu chuyện kinh tế, nhìn rộng hơn sẽ thấy tinh thần “biết đủ” nếu được hiểu và thực hành đúng trong cuộc sống ngày thường sẽ tạo lập một cộng đồng hạnh phúc.

Bắt đầu từ một thực tế phổ biến, đó là nhiều người bị cảm giác thua kém, mặc cảm xâm chiếm khi thấy điện thoại mình không xịn bằng người khác, áo quần của mình không bắt kịp trend nên dù có vay mượn cũng phải đổi điện thoại, cập nhật thời trang ngay khi có mẫu mới, bất luận đồ cũ vẫn dùng tốt. Rác thải điện tử, rác thải thời trang đang gia tăng với số lượng khủng khiếp, đe dọa môi trường toàn cầu đến từ những thói quen tiêu dùng quá đà như thế. Theo một thống kê, lượng rác thải thời trang bị thải bỏ và vứt ra các bãi rác trên thế giới lên tới 92 triệu tấn mỗi năm! Trong khi đó, tỷ lệ tái chế đối với loại rác này chỉ đạt khoảng 10%, phần còn lại được xử lý theo các phương pháp truyền thống như: chôn, đốt và… xả ra ngoài môi trường. Rõ ràng, con người đang tự đầu độc cuộc sống của chính mình và thế hệ con cháu.

Biết đủ chính là tiết chế ham muốn quá đà, hài lòng trong sự so sánh với chính mình dựa trên điều kiện và nhu cầu thực tế cá nhân chứ không mải mê chạy theo cái mới, so sánh bản thân với người khác. Đó cũng chính là tinh thần trong triết lý sống tối giản của người Nhật suốt nhiều thập niên qua. Tất cả vật dụng được mua sắm vừa đủ, không dư thừa, vừa đỡ lãng phí vừa giảm thời gian và công sức sắp xếp, dọn dẹp.

Cuộc đối thoại của con người với bản thể, với thiên nhiên về 2 từ “biết đủ” không dừng lại ở những chuyện thường ngày như thế. Bởi lẽ, sự ham muốn của con người là vô biên, từ vật chất đến tiền tài, danh vọng, vị trí… Nhiều người đã bất chấp để chạy theo những cuộc đua ấy cho đến khi kiệt sức mà không nhận ra rằng, chỉ khi nào quản lý được những ham muốn vô lối, khi đó mới có được hạnh phúc thật sự. Biết đủ, ấy là bản lĩnh từ chối những phù phiếm, vọng động không làm nên giá trị thật sự của cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm