Xã hội

Đời sống

Tổ truyền thông cộng đồng thúc đẩy bình đẳng giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự tham gia ngày càng đông của nam giới vào các tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) thuộc Dự án 8 đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Gia Lai.

Thay đổi từ cộng đồng

Sau khi tiếp nhận tin báo trong buôn có vụ bạo lực gia đình, ông Ksor Da-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, thành viên Tổ TTCĐ buôn Chư Bang (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) nhanh chóng cùng với các thành viên hội ý để tìm cách xử lý. Từ đầu năm đến nay, buôn xảy ra 8 trường hợp bạo lực gia đình. Có vụ chồng uống rượu say bị vợ nhắc nhở nên sinh cãi vã, xích mích. Có vụ chồng lười không chịu đi làm, kinh tế khó khăn lại tìm đến rượu, hễ vợ lên tiếng là bạo hành...

Theo ông Da, đa số các vụ đều có một phần nguyên nhân từ rượu. Công tác hòa giải cũng gặp không ít khó khăn. Ông cho biết: “Mỗi khi nhận tin báo, các thành viên trong tổ phải hội ý ngay để tìm cách giải quyết. Nhiều lần, các thành viên bị chủ nhà đuổi về vì cho rằng xâm phạm cuộc sống riêng. Chúng tôi phải kiên trì giải thích đó là hành vi sai trái, bị nghiêm cấm, đồng thời dẫn chứng quy định cụ thể của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình là như thế nào để chấn chỉnh, ngăn chặn”.

su-tham-gia-cua-gia-lang-nguoi-uy-tin-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-cua-to-truyen-thong-cong-dong-gop-phan-thuc-day-binh-dang-gioi-vung-dan-toc-thieu-so.jpg
Sự tham gia của già làng, người có uy tín giúp nâng cao hiệu quả của tổ truyền thông cộng đồng, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: M.C

Ông Da cho biết thêm: Không phải trường hợp bạo lực gia đình nào có sự can thiệp của tổ TTCĐ cũng giải quyết được ngay. Có trường hợp phải đến hòa giải, vận động, tuyên truyền nhiều lần. Và những thay đổi nhỏ trong cuộc sống đã tiếp thêm động lực để các thành viên tiếp tục làm việc, phát huy vai trò.

“Có 1 hộ nghèo nằm trong diện được cấp bò giống. Nhưng người chồng rất lười biếng, suốt ngày uống rượu không đi làm, lại còn chửi mắng vợ con. Chúng tôi đến phân tích nếu không chăm chỉ làm ăn sẽ tổ chức họp dân lựa chọn gia đình khác để trao sinh kế. Người chồng sau đó hứa thay đổi, từ đó chừa rượu, sáng sáng dắt bò đi chăn”-ông Da bày tỏ.

Tình trạng bạo lực gia đình thường xảy ra ở vùng đồng bào DTTS, nhất là nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Sự ra đời của các tổ TTCĐ đã góp phần đẩy lùi tình trạng này.

Anh Hồ Ba Bê-Thành viên Tổ TTCĐ làng Pơ Nang (thị xã An Khê) chia sẻ: “Từ nhỏ, mình đã chứng kiến nhiều vụ liên quan đến bạo lực gia đình xảy ra trong làng như chồng đánh đập hay la mắng vợ con, để lại những hậu quả rất xấu.

Mình ý thức là thế hệ trẻ thì phải tiên phong thay đổi tình trạng này, trước tiên là đối với bản thân, gia đình. Từ khi tham gia tổ TTCĐ của làng, mình tích cực học hỏi cách vận động, tuyên truyền để cùng với các thành viên góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực xảy ra trong các gia đình”.

Còn chị Đinh Thị Thiên (làng Pơ Nang) thì cho hay: “Hiện nay, phụ nữ Bahnar không còn trốn tránh, giấu giếm chuyện bị chồng bạo hành thể xác, tinh thần. Các chị em đã tìm đến tổ TTCĐ như một địa chỉ tin cậy nhờ hòa giải, bênh vực, vì các thành viên đều là những người có uy tín. Tình trạng bạo lực gia đình hiện đã giảm hẳn”.

Đẩy lùi hủ tục

Bên cạnh tình trạng bạo lực, những hủ tục như tảo hôn cũng đang cản trở sự phát triển của phụ nữ và trẻ em trong cộng đồng DTTS. Sự tham gia của già làng, trưởng thôn, người có uy tín với vai trò thành viên tổ TTCĐ đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, đẩy lùi những tập tục lạc hậu.

Anh Byar-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ktu (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) thông tin: “Trước đây, tình trạng tảo hôn xảy ra khá phổ biến do nhận thức người dân còn hạn chế. Việc vận động bà con xóa bỏ việc này thường gặp không ít khó khăn, nhất là đối với những cặp đôi đã cận kề ngày cưới. Gặp trường hợp như thế, các thành viên tổ TTCĐ thường xuyên lui tới gặp cả 2 bên gia đình để tuyên truyền, vận động.

Chúng tôi kết hợp cả kiến thức pháp luật lẫn kinh nghiệm dân vận của già làng, trưởng thôn mới thành công. Năm 2024, trong làng không xảy ra trường hợp tảo hôn nào. Chúng tôi tiếp tục nỗ lực xóa bỏ vấn nạn này trong cộng đồng”.

to-truyen-thong-cong-dong-huyen-krong-pa-tham-gia-giao-luu-sang-kien-truyen-thong-ve-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-thuc-day-binh-dang-gioi-vung-dan-toc-thieu-so.jpg
Tổ truyền thông cộng đồng huyện Krông Pa tham gia giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng chống-bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: M.C

Tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và các vấn đề xã hội cấp thiết khác đối với phụ nữ và trẻ em là 1 trong 4 nội dung trọng tâm của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 292 tổ TTCĐ với 2.700 thành viên là già làng, trưởng thôn, người có uy tín.

Để nâng cao chất lượng hoạt động, các thành viên tổ TTCĐ được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền vận động. Vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến truyền thông về phòng-chống bạo lực gia đình với sự tham gia của các tổ TTCĐ đến từ 15 huyện, thị xã. Đây là dịp để các thành viên gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, sáng kiến truyền thông hiệu quả tại địa phương trong phòng-chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.

Các địa phương cũng tổ chức một số hoạt động như thi sáng kiến truyền thông trong tuyên truyền phòng-chống tảo hôn, phòng-chống bạo lực gia đình… nhằm đúc rút kinh nghiệm hoạt động từ thực tiễn để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới từ cơ sở.

Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh-cho biết: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các tổ TTCĐ có những cách thức tuyên truyền thuyết phục, phù hợp, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện Dự án 8 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, xóa bỏ những vấn đề đang là rào cản cản trở sự phát triển của phụ nữ và trẻ em; phòng-chống bạo lực gia đình, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS”.

Có thể bạn quan tâm