Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Từ trượt ĐH ở VN tới kỹ sư tại thung lũng Silicon

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từng hoang mang trước những câu hỏi: 'Tôi muốn gì?', 'Tôi sẽ trở thành ai?', Lê Văn Hồng Chân đã nỗ lực và tự vạch cho mình con đường tới thành công.
 

 Lê Văn Hồng Chân (phải) trong một buổi nói chuyện với các bạn trẻ - Ảnh: Bảo Vy
Lê Văn Hồng Chân (phải) trong một buổi nói chuyện với các bạn trẻ - Ảnh: Bảo Vy



Cửa này đóng, cửa khác mở ra

Lê Văn Hồng Chân cho biết năm 2009 anh thi trượt khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, bố mẹ thất vọng nhưng Chân biết mình cần phải làm gì tiếp theo.

Vốn đam mê tin học từ nhỏ, giành nhiều giải thưởng về tin học, anh tìm mọi thông tin học bổng về công nghệ tại các trường ĐH tên tuổi ở nước ngoài, tập trung viết luận để chinh phục bằng được. Không lâu sau, Chân trúng tuyển ngành công nghệ thông tin ĐH KAIST của Hàn Quốc.

Ngay năm đầu tiên, Chân đã xin thực tập ở các công ty, tập đoàn tại Ấn Độ, Infosys tại Singapore... trong tất cả các kỳ nghỉ mùa đông hay hè. Sau đó, anh tới Canada thử sức tại Google. Thời gian là kỹ sư phần mềm thực tập tại đất nước lạnh giá này cho anh nhiều kinh nghiệm quý giá tới hôm nay.


 


Lê Văn Hồng Chân, 28 tuổi, cựu học sinh lớp chuyên tin Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Thời gian là học sinh phổ thông, Chân giành được nhiều giải thưởng lớn: Huy chương vàng môn tin học Olympic 30.4; Giải nhất môn hóa, Hoàng gia Úc (2 năm liên tiếp 2007 và 2008); Giải khuyến khích tin học trẻ cấp quốc gia; Giải khuyến khích sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia Hồng Chân từng tham gia chiến dịch Project Vietnam 2008 do Tổ chức SEALNet  (từ Trường Stanford, Mỹ) tổ chức; tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa tại Nhật Bản và Singapore...






Chân chia sẻ: “Tôi rút ra kinh nghiệm, đó là mọi cơ hội đều do mình phải tự giành lấy, đừng ngồi yên và chờ đợi. Trong những chuyến thực tập tại Ấn Độ hay học tập ở Hàn Quốc, tôi đã gặp những kỹ sư người Việt, họ đã cho tôi những lời khuyên rất tuyệt vời. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy mình nên cảm ơn lần rớt ĐH đầu tiên bởi nó cho tôi những cố gắng lớn lao hơn, những cơ hội tuyệt vời hơn”.

Tốt nghiệp ĐH, Chân có thời gian về VN làm ở một số công ty, đồng thời theo đuổi một số dự án khởi nghiệp liên quan đến công nghệ. Năm 2016, anh trở lại Mỹ làm kỹ sư phần mềm tại Tập đoàn Asana, và 2 năm nay anh là kỹ sư phần mềm của Facebook, làm việc tại thung lũng Silicon, bang California.

Chân tâm sự: “Tôi là trưởng nhóm có 4 thành viên. Nhiều người nghĩ rằng công việc rất căng thẳng, áp lực, riêng tôi cảm thấy thoải mái vì môi trường làm việc cởi mở. Tại Facebook, chúng tôi có những buổi trao đổi trực tiếp với sếp của mình tất cả những vấn đề trong công việc cũng như cuộc sống. Có khoảng 20 kỹ sư người VN đang làm việc tại Facebook, ở nhiều quốc gia, tất cả mọi người đều rất giỏi. Đặc biệt, tôi cũng học hỏi được nhiều từ môi trường năng động, nhiều người xuất sắc tại thung lũng Silicon, trong đó có rất nhiều người VN với các mô hình khởi nghiệp khác nhau”.

Trân trọng những khoảnh khắc thật

Chân vừa trải qua 3 tuần ở VN nhưng anh không ngồi yên một chỗ mà tham gia rất nhiều buổi nói chuyện truyền cảm hứng, chia sẻ những gì anh đã và đang làm cho bạn trẻ tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... cũng yêu thích công nghệ hoặc đang băn khoăn trước ngưỡng cửa tương lai.

Tại buổi nói chuyện hôm 6.9 ở ĐH Fulbright VN, Chân bộc bạch: “Những câu hỏi mà bạn trẻ hỏi mình nhiều nhất là làm sao để vào được những tập đoàn lớn? Làm sao có thể sang Mỹ làm việc?... Tôi luôn trả lời với các bạn là đừng bao giờ chỉ đứng bên ngoài để nhìn và tự kết luận mọi thứ mà phải là “người ta làm được, mình cũng có thể làm được”. Khi bạn chưa biết chắc chắn mình muốn làm gì, mình muốn trở thành ai trong tương lai thì hãy làm nhiều đi, thử thật nhiều để biết chắc chắn mình thích gì và lựa chọn đúng”.

Là kỹ sư của Facebook nhưng Chân ít “sống ảo”, anh cho rằng công nghệ sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn khi con người làm chủ nó, không bị lệ thuộc và biết trân trọng những khoảnh khắc thật, của người thân, bạn bè, đồng nghiệp ở giữa đời thật.


“Có những điều tôi ấp ủ làm cùng với cha khi đã thành công, đến bây giờ chẳng thể thực hiện được, bởi cha của tôi mới qua đời vì ung thư. Tôi nhận ra rằng, hãy tranh thủ mọi thời gian ở bên người ta yêu thương trước khi quá muộn”, Chân chia sẻ.

Thúy Hằng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm