Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Đây là một văn bản mang giá trị nhân văn sâu sắc, xuất phát từ chiều sâu truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, thể hiện tư tưởng và tình cảm của Người, nhằm cổ vũ và thức tỉnh toàn dân tộc thống nhất ý chí, biến khó khăn thành động lực đưa cách mạng đi lên phía trước.

 Tỉnh ủy khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Nhật
Tỉnh ủy khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Nhật

Bác dạy, muốn nuôi dưỡng và bồi đắp tinh thần thi đua yêu nước trong toàn thể nhân dân thì phải đưa họ vào các phong trào hành động cách mạng thực tiễn, càng khó khăn càng phải ra sức thi đua. Bác mong muốn người người, nhà nhà thi đua và toàn xã hội cùng thi đua: Mục đích thi đua ái quốc là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vì vậy bổn phận của người Việt Nam, sĩ-nông-công-thương-binh, bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua làm cho mau, cho tốt, cho nhiều. Thi đua không thể chạy theo hình thức bên ngoài mà phải đi vào chiều sâu, phải thực chất khơi dậy tiềm năng sức mạnh của mỗi tập thể và cá nhân.

Suốt 67 năm qua, từ lời dạy của Người, những phong trào thi đua yêu nước đã dấy lên sôi động và đi vào trang sử cách mạng. Thi đua yêu nước đã biến yếu tố tinh thần của toàn dân tộc thành sức mạnh to lớn đưa cách mạng vượt qua mọi thử thách để giành thắng lợi vẻ vang.

Suốt chặng đường 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, các phong trào thi đua tiếp tục cổ vũ khí thế lao động sôi nổi. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lãnh đạo khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, từng bước tạo sự phát triển ổn định kinh tế-xã hội. Cùng với việc lãnh đạo nhân dân các dân tộc tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng-an ninh, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chất lượng giáo dục, y tế, thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được cải thiện đáng kể. 

 

Thành phố Pleiku tổ chức giao lưu những điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ. Ảnh: Thanh Nhật
Thành phố Pleiku tổ chức giao lưu những điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ.
Ảnh: Thanh Nhật

Các phong trào thi đua cũng đã tạo động lực tích cực, góp phần hoàn hành cơ bản các chỉ tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt gần 13%/năm, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Quy mô kinh tế được nâng lên, đến năm 2015 GDP của tỉnh tăng gấp 2,54 lần so với năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,1 triệu đồng/năm, đạt khá cao trong khu vực Tây Nguyên. Qua phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” triển khai từ năm 2011 đến nay theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, tỉnh đã ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho 45 xã điểm, đến nay toàn tỉnh có 11 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới...

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc, cùng các đoàn thể và ngành chức năng đã nâng cao hiệu quả  thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng-nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo, thực hiện các chính sách dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu là đẩy mạnh các phong trào thi đua đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vì người nghèo, thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, thực hiện hương ước, quy ước, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...

Hoạt động thi đua còn gắn liền với các mặt công tác lãnh đạo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong giai đoạn 2010-2015, Tỉnh ủy đã chủ trì triển khai thực hiện Đề án 03 đưa hơn 140 trí thức trẻ tốt nghiệp đại học bố trí về công tác tại các xã vùng II và III, qua đó góp phần kiện toàn và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Bên cạnh đó, toàn Đảng bộ đã kết nạp được hơn 14.000 đảng viên mới, đạt tỷ lệ hàng năm hơn 7% so với tổng số đảng viên đầu năm. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có hơn 46.000 đảng viên, trong đó có gần 11.000 đảng viên dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với công tác tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất, đạo đức và lối sống cho cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước và địa phương trong giai đoạn cách mạng mới.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm