Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sáng kiến, kinh nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ảnh: TL
Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”; rằng “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc... Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”. Người cho rằng sáng kiến không phải cái gì cao xa không thực hiện được; không phải chỉ có ở những người “có tài giỏi đặc biệt mới có sáng kiến” mà ở những con người bình thường đều có thể đề xuất sáng kiến. Hồ Chí Minh quan niệm “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực” và từ “Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng kiến, kinh nghiệm của quần chúng có ý nghĩa rất lớn giúp Đảng, Nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lý đưa ra các quyết định chính xác, hợp lòng dân. “Vì không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của những người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không hợp với thực tế”. Bác cho rằng quần chúng rất thông minh sáng tạo, giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, nhanh chóng “mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”; vì vậy “Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình”. Đồng thời Người nhắc nhở, phê phán một số cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tự cao tự đại, không cầu thị, lắng nghe học hỏi dân chúng “Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng”. Bằng sự theo dõi đi sâu vào bản chất của vấn đề, Bác đã luận giải làm rõ căn nguyên vì sao ở nhiều nơi “cán bộ, đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái”- theo Người là vì  “Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực”.
Xuất phát từ vai trò, tiềm năng sáng tạo của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên cần nắm vững phương châm, quy trình, tác nghiệp lãnh đạo, quản lý “Gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khích lệ tinh thần cũng là một nhân tố phát huy sáng kiến. Người nói “Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái… tính “gặp chăng hay chớ” ngày càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm”. Đồng thời “Các báo chí và văn nghệ: Phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm”.
Vấn đề đặt ra trong thực tiễn hiện nay là làm sao trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm theo tư tưởng của Người, tạo môi trường, cơ chế để sáng kiến, kinh nghiệm của nhân dân không ngừng phát triển tham gia tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
TS. Nguyễn Thế Tư

Có thể bạn quan tâm