Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Từ việc công chức Huế mặc áo dài truyền thống, nghĩ đến lễ phục Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sau hội thảo khoa học Huế - kinh đô áo dài Việt Nam (8.7), cùng với việc Sở VH - TT Thừa Thiên - Huế thí điểm công chức trong ngành mặc áo dài truyền thống đến công sở mỗi tháng một lần, bỗng nghĩ đến lễ phục Việt Nam.

Vua Hàm Nghi mặc dù bị lưu đày ở Algeria nhưng trong đám cưới (năm 1904) vua vẫn sử dụng khăn đóng áo dài, và hình ảnh này đã làm náo động thủ đô Alger của Algeria - ẢNH: Tư liệu
Vua Hàm Nghi mặc dù bị lưu đày ở Algeria nhưng trong đám cưới (năm 1904) vua vẫn sử dụng khăn đóng áo dài, và hình ảnh này đã làm náo động thủ đô Alger của Algeria - ẢNH: Tư liệu


Quốc kỳ - quốc ca và lễ phục, đó là tiêu chí và cũng là thông lệ quốc tế về một quốc gia. Xét về vấn đề này thì các nước trên thế giới đều có quy định về quốc kỳ, quốc ca trong Hiến pháp, còn lễ phục thì không và nếu có thì cũng là quy định không nằm trong Hiến pháp. Mặc dầu vậy, một quốc gia văn minh và phát triển vẫn cần phải hội đủ ba tiêu chí này.

Nước ta, quốc kỳ, quốc ca, đã có từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập (2.9.1945), thế nhưng về lễ phục thì đến nay vẫn chỉ là trống vắng, mặc dù việc này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức “Lễ phát động tuyển chọn mẫu thiết kế lễ phục nhà nước" từ năm 1991 và cho đến nay đã là 30 năm, cũng đã có rất nhiều cuộc hội thảo cấp bộ về vấn đề này, với tiêu chí được đặt ra là “mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam; thuận tiện, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện khí hậu, màu sắc và vóc dáng của người Việt Nam”.

 

Vua Hàm Nghi, năm 1899
Vua Hàm Nghi, năm 1899
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc trẻ trong trang phục khăn xếp áo dài chụp tại quê nhà Quảng Trị, năm 1928 - Ảnh: Tư liệu
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc trẻ trong trang phục khăn xếp áo dài chụp tại quê nhà Quảng Trị, năm 1928 - Ảnh: Tư liệu


Và trang phục áo dài khăn xếp truyền thống đã được không ít các nhà nghiên cứu đề xuất là lễ phục nhà nước. Thế nhưng đến nay, câu chuyện đi tìm lễ phục vẫn chưa có kết quả với nhiều lý do.

Lễ phục? Theo tôi là y phục đặc trưng của mỗi quốc gia, là loại áo quần do nhân dân trong nước thường dùng một cách phổ biến đời này qua đời kia, rồi được nâng tầm như vải vóc sang hơn, thợ cắt may cao cấp hơn, được điều chỉnh theo thị hiếu ở mỗi thời, được sử dụng cho các lễ cùng các nghi thức ngoại giao của quốc gia, và các ngày quan trọng khác của các dòng họ, gia đình, cá nhân, như giao tiếp, lễ, tết, hội hè, tiệc tùng, cưới hỏi.... Và ở nước ta, trang phục khăn xếp áo dài của nam giới và chiếc áo dài của nữ giới đã có trong lịch sử, đóng vai trò đại diện từ xa xưa.

 

Vua Thành Thái, M. Doumer và Đô đốc Pothier đang tới dự một buổi tiệc ở Sài Gòn năm 1898, cho thấy nhà vua dùng y phục áo dài - Ảnh: Tư liệu
Vua Thành Thái, M. Doumer và Đô đốc Pothier đang tới dự một buổi tiệc ở Sài Gòn năm 1898, cho thấy nhà vua dùng y phục áo dài - Ảnh: Tư liệu


Với trang phục khăn xếp áo dài truyền thống, hình ảnh được biết sớm nhất là thông qua các tư liệu ở cuối triều Nguyễn, cho thấy các vị vua quan đã sử dụng y phục này cho các ngày quan trọng và cả ở nghi thức ngoại giao. Trong đó hình ảnh đầu tiên là các quan chức trong sứ đoàn Phan Thanh Giản với khăn đóng áo dài trong chuyến sang Pháp năm 1863. Tiếp đến là vua Hàm Nghi,  vua Thành Thái và các vua về sau đến hết triều Nguyễn. Nhìn chung, ở cuối triều Nguyễn trang phục khăn đóng áo dài đã được phổ cập, áp dụng toàn quốc. Không những thế, sau này khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, các nhân sĩ và nhân dân vẫn mặc trang phục truyền thống trong những ngày quan trọng.

Một bức ảnh nữa được chú thích bằng tiếng Pháp, nguyên văn “Vua Thành Thái, M. Doumer và Đô đốc Pothier đang tới dự một buổi tiệc ở Sài Gòn năm 1898”, cho thấy nhà vua dùng y phục áo dài tới dự. Đặc biệt là vua Hàm Nghi, mặc dù bị lưu đày ở Algeria nhưng trong đám cưới (1904) vua vẫn sử dụng khăn đóng áo dài, và hình ảnh trang phục lạ lùng này đã làm náo động thủ đô Alger của Algeria. Có lẽ từ những sự kiện chính trị mang tính thời sự này, trong đó nổi bật về phong cách trang nhã của y phục dân tộc mà hai vua đã sử dụng nêu trên, đã lan tỏa, ảnh hưởng lớn với các vị vua sau này và cả với giới quý tộc thời bấy giờ. Bằng chứng là có rất nhiều hình ảnh về vua Khải Định với các cuộc đón tiếp, thăm viếng ngoài trời đã đội nón lá truyền thống, mặc áo dài tiếp Toàn quyền Albert Sarraut và đi thăm thú các nơi như: tỉnh Lạng Sơn, nhà máy xi măng Hải Phòng, rồi tỉnh Hải Dương…

 

GS Đào Duy Anh (phải) và Đặng Văn Tế ở trường Quốc Học Huế
GS Đào Duy Anh (phải) và Đặng Văn Tế ở trường Quốc Học Huế
Chân dung cụ Đào Tấn, chụp năm 1893 - Ảnh: Tư liệu
Chân dung cụ Đào Tấn, chụp năm 1893 - Ảnh: Tư liệu


Tiếp đến trong chuyến công du nước Pháp của vua Hàm Nghi, giới quý tộc công tác và du học ở Pháp đã diện kiến nhà vua với khăn đóng áo dài thật ấn tượng. Rồi các quan lại địa phương như ở Kỳ Lừa - Lạng Sơn, Tổng đốc Hà Tĩnh Đào Tấn, các quan ở Bình Định, Gia Định, rồi trường Quốc Học Huế như GS Đào Duy Anh đã từng học và rất nhiều trường học ở các nơi khác thầy trò đều nghiêm chỉnh với khăn đóng áo dài đến lớp…

Nhìn chung, ở cuối triều Nguyễn trang phục khăn đóng áo dài đã được phổ cập, áp dụng toàn quốc. Không những thế, sau này khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, các nhân sĩ và người dân vẫn mặc trang phục truyền thống trong những ngày quan trọng. Đặc biệt trong quá trình sưu tầm tư liệu, tôi còn sưu tầm được ảnh cố Tổng bí thư Lê Duẩn với trang phục khăn xếp áo dài và được chú thích “Đồng chí Lê Duẩn (1907 – 1986), ảnh chụp tại quê nhà tỉnh Quảng Trị năm 1928”.

Chưa kể hiện nay, trào lưu tìm về chiếc áo dài truyền thống đang được nhiều câu lạc bộ/hội/nhóm trên khắp cả nước thực hiện. Rồi gần đây có cả hội thảo khoa học Huế - kinh đô áo dài Việt Nam với mong muốn khôi phục áo dài truyền thống (cả nam lẫn nữ) cũng như nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản áo dài của Huế.

Vì vậy, thiết nghĩ đã tới lúc chúng ta cần quan tâm hơn đến lễ phục cho Việt Nam, đặc biệt trong các nghi thức lễ tân ngoại giao. Và việc tìm ra lễ phục phù hợp, tạo sự đồng thuận cũng cần nhanh chóng xúc tiến.

Theo VŨ KIM LỘC (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm