Như đã đưa tin, bé gái N.H.T (21 tháng tuổi, trú xã Đa Tốn, H.Gia Lâm, Hà Nội) bị Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú xã Việt Ngọc, H.Tân Yên, Bắc Giang; người được gia đình thuê đưa đón bé T.), bắt cóc và sát hại dã man.
Bị can Giáp Thị Huyền Trang. Ảnh: CACC |
Phân tích về vụ án này, thượng tá, tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm nói chung có những diễn biến rất phức tạp; trong đó, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đối với trẻ em xảy ra liên tiếp tại Hà Nội. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là những người mà chúng ta không thể ngờ đến, nhất là vụ bắt cóc bé trai ở khu đô thị Việt Hưng (Q.Long Biên, Hà Nội) hồi tháng 8.
"Hành vi bắt cóc trẻ em cùng lúc xâm phạm nhiều khách thể được luật hình sự bảo vệ, trong đó có quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của trẻ em. Ngoài ra, còn xâm phạm về quyền sở hữu tài sản của người khác", TS Đào Trung Hiếu nói, và cho hay, các vụ án bắt cóc trẻ em chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tội phạm nhưng khi gây án với trẻ em thì đều làm rúng động xã hội, kéo theo sự phẫn nộ của cộng đồng.
PGS - TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), nhấn mạnh từ vụ án bé gái 21 tháng tuổi bị bắt cóc, sát hại, các bậc phụ huynh phải đặt ra điều kiện, tiêu chuẩn cá nhân với bảo mẫu như kinh nghiệm, trình độ học vấn, khả năng chăm sóc trẻ, các yếu tố về sức khỏe và an ninh.
Bên cạnh đó, cần tìm hiểu ứng viên, thậm chí quan tâm đến lý lịch chung, lý lịch tư pháp xem có những vấn đề nào trong quá khứ liên quan đến bạo lực với trẻ hay không. Cha mẹ cần có những buổi tiếp cận phỏng vấn trực tiếp để xem quan điểm, phương pháp, tình yêu thương và quan tâm tới trẻ, kiến thức về an toàn và tư duy giải quyết các vấn đề nguy cơ.
Camera ghi lại thời điểm Trang đón và bắt cóc bé T. CHỤP MÀN HÌNH |
Theo PGS - TS Trần Thành Nam, khi gia đình phát hiện một mối nguy hiện hữu phải rà soát các điều khoản hợp đồng để đảm bảo chấm dứt hợp đồng với bảo mẫu và tìm một người thay thế an toàn.
"Cha mẹ cũng cần thường xuyên nói chuyện, định kỳ kiểm tra bảo mẫu, xây dựng một hệ thống liên lạc và các nguồn để kiểm tra chéo thông tin liên quan đến mọi vấn đề lo ngại về việc chăm sóc trẻ", ông Nam nói, và cho hay, quan tâm đến lịch sử sức khỏe tâm thần của bảo mẫu cũng là điều vô cùng quan trọng.
Dưới góc nhìn của chuyên gia giáo dục, ông Nam đề xuất cần chuẩn hóa thị trường bảo mẫu. Để hành nghề, những người làm công việc này phải học các chương trình nâng cao năng lực để được cấp chứng chỉ hành nghề.
Về việc thuê bảo mẫu, ông Hiếu đưa ra lời khuyên các bậc cha mẹ nên tìm bảo mẫu ở các trung tâm uy tín, đồng thời phải xác định chính xác, đầy đủ về lý lịch tư pháp của bảo mẫu.
"Không nên chọn những người nóng tính mà phải chọn những người có tính hiền lành, có kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Đặc biệt, không được phó mặc con cái cho bảo mẫu, phải có biện pháp giám sát thông qua camera hay một phương pháp khác", ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, khi gia đình đã chọn thuê bảo mẫu rồi thì phải trình báo cho cơ quan chức năng như làm tạm trú... để "ngăn chặn từ trước những ý định phạm tội của bảo mẫu".
Vụ bé gái bị bắt cóc, sát hại: Bị can đã chết, vụ án giải quyết thế nào? |