Thời sự - Bình luận

Từ vụ "xe điên" tông 17 xe máy, nghĩ về chuyện mua bán bằng lái ôtô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ "xe điên" tông 17 xe máy ở Hà Nội quá kinh hoàng, câu hỏi đặt ra là nguyên nhân từ đâu, có phải là do trình độ lái xe của tài xế.

Hiện trường 17 xe máy bị "xe điên" tông. Ảnh: Hải Nguyễn

Hiện trường 17 xe máy bị "xe điên" tông. Ảnh: Hải Nguyễn

Chỉ mấy chục giây không làm chủ tay lái, lái xe đã gây ra tai nạn với 22 người bị thương, trong đó, 2 nạn nhân bị thương nặng, chưa kể thiệt hại về tài sản.

Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với lái xe Hoàng Ngọc V (63 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) - người gây ra tai nạn liên hoàn vào chiều 5.4 về hành vi "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông”.

Lái xe không có nồng độ cồn và âm tính với chất ma túy. Chưa có kết luận nguyên nhân tai nạn, nhưng theo hình ảnh camera ghi lại, có thể phán đoán khả năng lái xe đạp nhầm chân ga là rất cao.

Nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ lái xe thay vì đạp thắng, lại đạp nhầm chân ga. Nguyên nhân của nguyên nhân này là do trình độ lái xe kém, hoặc do tình trạng sức khỏe của lái xe vào thời điểm đó không được ổn.

Vẫn biết chuyện lái xe không gây tai nạn chẳng ai dám nói mạnh. Nhưng có một thực tế, trong nhiều vụ tai nạn thương tâm, nguyên nhân chính bởi trình độ lái xe kém là do đào tạo, sát hạch bằng lái xe.

Loại trừ những vụ tai nạn do nguyên nhân khách quan, có rất nhiều vụ tai nạn giao thông do lái xe chạy ẩu, không có kỹ năng, chứng tỏ không được đào tạo nghiêm túc. Có không ít người kiếm cái bằng để tìm việc, nhận lái cả xe tải, xe khách, nhưng trình độ kém, không đảm bảo an toàn.

Những người này đều có bằng lái xe ngon lành. Vậy thì câu hỏi đặt ra là với trình độ đó, làm sao họ có thể qua được các cuộc sát hạch khi đi thi bằng lái ôtô.

Câu trả lời quá dễ, đó là tiền thi thay cho họ, họ mua bằng, không phải thi lấy bằng. Báo chí phản ánh tình trạng tiêu cực trong thi bằng lái xe, bao lý thuyết, bao đỗ. Bằng lái xe có thể mua rất dễ dàng nếu bắt trúng đường dây.

Chính vì tình trạng này, nên Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi UBND, Sở GTVT các tỉnh, thành phố và Cục Đường bộ Việt Nam về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy giấy phép lái xe.

Bộ Giao thông Vận tải cũng thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Sở GTVT tất cả các địa phương, hoàn thành trong tháng 4.2023. Qua đợt kiểm tra này, hy vọng sẽ là một cuộc "thanh lọc" như với hoạt động đăng kiểm xe.

Dọn sạch tiêu cực, tham nhũng trong đào tạo, cấp bằng lái xe là cái gốc để kéo giảm tai nạn giao thông.

Có thể bạn quan tâm