Du lịch

Tuần văn hóa-du lịch Gia Lai: Dấu ấn cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là sự kiện tôn vinh bản sắc văn hóa, quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm chủ lực địa phương, đồng thời giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Tuần văn hóa-du lịch Gia Lai trở thành sự kiện nổi bật dịp cuối năm. Từ đây, kỳ vọng mới cũng mở ra cho bức tranh kinh tế, văn hóa-xã hội trong năm mới 2023.
Tâm điểm văn hóa
Màn trình diễn cồng chiêng đường phố của hơn 500 nghệ nhân của TP. Pleiku mở màn cho Tuần văn hóa-du lịch trở thành tâm điểm chú ý bởi sắc màu văn hóa độc đáo. Xuất phát từ Nhà Thiếu nhi thành phố, đoàn nghệ nhân trình diễn qua các tuyến đường: Hoàng Văn Thụ-Trần Phú-Trần Hưng Đạo về kết thúc tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Các nghệ nhân nổi bật trên đường phố với hình ảnh tuyệt đẹp từ trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc, hóa trang dân gian đầy mê hoặc. Và trên hết, tinh thần tự hào, tự tôn văn hóa dân tộc khiến những chủ nhân của di sản văn hóa cồng chiêng thăng hoa trong từng nhịp chiêng, điệu xoang truyền thống. “Đây thực sự là màn trình diễn văn hóa dân gian tuyệt vời, độc đáo và đầy hấp dẫn”-anh Kwon Hyeong Kyu-du khách Hàn Quốc-bày tỏ.
Trình diễn cồng chiêng đường phố tại Tuần văn hóa-du lịch tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Châu
Trình diễn cồng chiêng đường phố tại Tuần văn hóa-du lịch tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Châu
Với các nghi lễ truyền thống như lễ cúng nhà rông, tái hiện lễ cưới của người Jrai, lễ bỏ mả... những chủ nhân của di sản cồng chiêng mang bản sắc văn hóa đến gần với người dân và du khách hơn bao giờ hết. Các nghi lễ đưa người dân và du khách đến với không gian văn hóa. Nếu các nghệ nhân phường Hoa Lư nổi bật với lễ cúng nhà rông thì nghệ nhân làng Kép (phường Đống Đa) lại khiến mọi người thích thú với nghi thức cổ truyền gắn kết hai tâm hồn về chung dưới một mái nhà trong lễ cưới của người Jrai. Trong khi đó, nghệ nhân phường Yên Đổ lại gợi nhiều suy tưởng về sự tái sinh mang giá trị nhân văn qua lễ bỏ mả-một cuộc chia ly vĩnh viễn giữa người sống và người chết. Chị Tào Thị Lan-du khách Hà Nội-chia sẻ: “Dù các nghi lễ chỉ được tái hiện nhưng tôi rất xúc động trước vẻ đẹp văn hóa của các dân tộc bản địa. Tôi rất ấn tượng khi những ngôi làng giữa trung tâm phố núi Pleiku lại giữ được bản sắc văn hóa đậm nét như vậy”.
Nghệ nhân làng Kép (phường Đống Đa, TP. Pleiku) tái hiện lễ cưới của người Jrai. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nghệ nhân làng Kép (phường Đống Đa, TP. Pleiku) tái hiện lễ cưới của người Jrai. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tuần văn hóa-du lịch do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Pleiku phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 22 đến 26-12 gồm nhiều hoạt động như: trình diễn cồng chiêng đường phố, cồng chiêng cuối tuần; phục dựng một số nghi lễ văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố; trưng bày ảnh đẹp giới thiệu các thành tựu về kinh tế, văn hóa và danh thắng của TP. Pleiku; giao lưu ẩm thực vùng miền giữa các địa phương Gia Lai, Đak Lak, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên.
Đối với những chủ nhân của di sản, việc tham gia Tuần văn hóa-du lịch càng khiến họ nâng cao ý thức bảo vệ và lòng tự hào với văn hóa dân tộc. Chị Ksor Hà (làng Kép) là “nhân vật chính” trong lễ cưới mà các nghệ nhân của làng tái hiện. Chị chia sẻ: “Để tái hiện nghi lễ này, già làng đã tập hợp các thành viên tập luyện nhiều lần. Cũng nhờ đó mà tôi hiểu thêm về lễ cưới truyền thống của ông bà, từ lúc đám hỏi cho đến khi già làng làm lễ cho 2 vợ chồng trước sự chứng nhận của thần linh, hội đồng già làng và người dân. Lễ cưới mang nhiều ý nghĩa, nhắc nhở về sự thủy chung, gắn bó bền chặt, biết quý trọng tình cảm tốt đẹp của gia đình. Mặc dù thế hệ trẻ thường tổ chức đám cưới theo lối sống mới, nhưng chúng tôi nhận thức cần lưu giữ các giá trị truyền thống trong gia đình người Jrai”.
Sắc màu văn hoá trong Tuầnn văn hoá-du lịch. Ảnh: Minh Châu
Sắc màu văn hoá trong Tuần văn hoá-du lịch. Ảnh: Minh Châu
Theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Các hoạt động của Tuần văn hóa-du lịch giúp thành phố quảng bá các giá trị văn hóa, du lịch, đưa di sản văn hóa đến gần hơn với người dân và du khách. Thông qua những sự kiện như vậy, thành phố đồng thời tuyên truyền, giáo dục cộng đồng gìn giữ bản sắc văn hóa. Người dân cũng có ý thức hơn về giá trị của văn hóa trong sự phát triển.
Không gian mở cho sản vật địa phương
Các hoạt động của Tuần văn hóa-du lịch diễn ra vào dịp cuối năm, là thời điểm nhu cầu vui chơi, mua sắm của người dân tăng cao. Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương, đồng thời là dịp để người dân mua sắm những mặt hàng chất lượng đón Xuân Quý Mão 2023. Hàng hóa tham gia chủ yếu là các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản. Tính đa dạng, phong phú, đặc trưng của các sản phẩm địa phương do các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất tại các huyện tham gia giới thiệu là điểm mới và là điểm nhấn quan trọng trong hội chợ lần này”.
Hội chợ còn là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của Gia Lai giới thiệu, trao đổi, tìm kiếm đối tác, nhà phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng đến với người tiêu dùng. Tại gian hàng của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Tân Bình, khách ra vào nườm nượp mua sản vật đã đi vào thơ Xuân Diệu, đó là khoai Lệ Cần và các sản phẩm từ khoai như miến, tinh bột khoai… Ông Nguyễn Trình (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) cho hay: “Khách hàng biết đến thương hiệu khoai Lệ Cần một phần thông qua các hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức. Qua mỗi kỳ tham gia hội chợ, sức mua các mặt hàng tăng lên đáng kể”.
Còn chị Lý Anh Thư-chủ gian hàng Bò một nắng Tý Vân thì thông tin: Mục tiêu tham gia hội chợ là quảng bá Bò một nắng Tý Vân-một trong những thương hiệu lâu đời, hình thành gần 1/3 thế kỷ ở vùng đất “chảo lửa” Krông Pa. “Hội chợ là cơ hội để chúng tôi tìm kiếm khách hàng tiềm năng, các đại lý phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ. Chúng tôi có 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và đã đăng ký bảo hộ thương hiệu cho Bò một nắng Tý Vân từ năm 2012. Các hoạt động của tỉnh giúp chúng tôi nâng cao ý thức trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình”-chị Thư nói.
Hội chợ thương mại là cơ hội để quảng bá sản vật địa phương. Ảnh: Minh Châu
Hội chợ thương mại là cơ hội để quảng bá sản vật địa phương. Ảnh: Minh Châu
Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra lễ tôn vinh danh hiệu doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021 do Bộ Công thương bình chọn cho 3 doanh nghiệp; công bố quyết định, trao văn bằng chỉ dẫn địa lý cho “Cà phê Gia Lai”; nhãn hiệu chứng nhận “Chanh dây Gia Lai”, “Chôm chôm Ia Grai”; trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Phở khô Gia Lai” cho các tổ chức, cá nhân; hội thảo khoa học “Thực tiễn và giải pháp thúc đẩy bảo vệ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh Gia Lai”; Giải Marathon TP. Pleiku gây Quỹ “Áo ấm cho em”; hội chợ thương mại giới thiệu sản phẩm địa phương với trên 150 gian hàng.
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức-cho biết: “Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Gia Lai đã chủ động trong khôi phục hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thương mại thông qua các sự kiện cụ thể, sinh động. Trong đó, Tuần văn hóa-du lịch là sự kiện kết hợp nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, công nghệ. Đây là dịp để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và du lịch…; đồng thời, giới thiệu, tôn vinh quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm chủ lực địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu sản phẩm tiêu biểu OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn đến với người dân trong và ngoài tỉnh”. 
Sự kiện này còn hướng đến mục tiêu tạo cơ hội và đáp ứng nhu cầu giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực vùng miền của người dân và du khách; góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng hóa. Còn ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-nhận định: Sự kiện là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong dịp cuối năm, đồng thời mở ra nhiều kỳ vọng cho bức tranh du lịch trong năm mới. “Là ngành kinh tế tổng hợp nên khi các ngành, đơn vị, địa phương cùng bắt tay thực hiện thì đó là cách để thể hiện trách nhiệm, đồng thời quảng bá du lịch, dịch vụ, sản phẩm thương mại tốt nhất, hướng đến sự phát triển của ngành công nghiệp xanh”-ông Hoàng nhấn mạnh.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm