Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tục ăn trầu của người Bahnar ở Đăk Pling

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tục ăn trầu từng phổ biến trong các làng người Bahnar ở Đông Trường Sơn, nhưng đến nay có lẽ chỉ còn duy nhất ở xã Đăk Pling, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Miếng trầu mở ra bao câu chuyện thú vị quanh phong tục truyền đời này.

Giữ tục xưa

Chị Đinh Thị Đưa (SN 2003) thuộc thế hệ trẻ của làng Mèo Lớn nhưng đã có nhiều năm ăn trầu. Đang mang thai tháng thứ 7, chị Đưa cho biết cả ngày chỉ thèm trầu. Với tay hái lá từ một bụi trầu không trên đường vào làng, chị chia sẻ: “Gia đình mình có bà, mẹ và tất cả các chị em gái đều ăn trầu. Ở đây, hầu hết người lớn tuổi đều ăn trầu, còn lớp trẻ như mình ăn trầu ít hơn vì sợ đen răng”.

Nhiều người trẻ như chị Đinh Thị Đưa vẫn giữ thói quen ăn trầu. Ảnh: H.N

Tục ăn trầu trở thành một phần cuộc sống của nhiều người dân ở các làng của xã Đăk Pling. Như bà Nhenh (làng Mèo Nhỏ) sau một trận ốm nặng thì không còn đủ sức làm lụng. Nhưng nỗi nhớ rẫy, nhớ miếng trầu rừng thôi thúc đôi chân bà. Người phụ nữ đi qua gần 80 mùa rẫy cho biết, thói quen ăn trầu đã trở thành một phần cuộc sống của bà. Dẫu trong người còn mệt sau trận ốm, bà vẫn một mình lên rẫy dù con cháu can ngăn.

“Đã lâu không lên rẫy nên mình thấy nhớ. Mình lên rẫy tiện thể hái ít lá trầu rừng. Quanh làng cũng trồng trầu nhưng không ngon như lá trầu rừng”-vừa nói, bà Nhenh vừa hạ chiếc gùi xuống cho tôi xem những thứ có bên trong. Ngoài cây rựa còn có 1 túi đựng trầu cau và vài thứ “gia vị” ăn kèm như vôi hồng, rễ cây, lá thuốc.

“Người Bahnar đi rẫy không thể thiếu cây rựa cũng như túi trầu cau. Ở đây, thời tiết lạnh giá, ăn trầu vào sẽ ấm người, làm rẫy cũng khỏe hơn”-bà Nhenh chia sẻ.

Bà Glech (bìa trái) và bà Ing vẫn giữ tục ăn trầu. Ảnh: H.N

Nếu lá trầu được hái chủ yếu trong rừng thì quả cau lại được các gia đình trồng quanh không gian sinh sống. Được xem là hộ trồng nhiều cau nhất làng Tpưng nên ngôi nhà sàn của gia đình bà Glech trở thành nơi tụ họp của nhiều người làng sau giờ đi làm. Họ quây quần cùng ăn trầu, trò chuyện rôm rả.

Bao bọc quanh nhà là một “rừng” cau nhiều thế hệ. Bà Glech cho biết: Có những gốc cau được trồng hàng trăm năm trước. Những thân cau già cao vài chục mét, ngọn vươn thẳng lên trời giờ chỉ để làm cảnh vì không ai có thể trèo hái. Nhưng đó là minh chứng rõ nhất cho tục ăn trầu được truyền từ đời ông cha cho đến tận bây giờ.

Ở tuổi 70, hàm răng đen bóng của bà Glech vẫn rất chắc khỏe. Còn bà Ing-người đã đi qua hơn 100 mùa rẫy móm mém ăn trầu bằng… lợi. Bà cười móm mém: “Ăn trầu làm mình khỏe hơn, sống vui vẻ hơn”.

Độc đáo tục ăn trầu

Theo ông Đinh Văn Long-nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pling: Không biết từ bao giờ, tục ăn trầu đã trở thành một phần cuộc sống của người Bahnar ở đây. Các thế hệ trong gia đình ông như bà và mẹ, rồi vợ, con của ông đều ăn trầu. Giống nhiều người cần có cà phê buổi sáng thì người Bahnar ở đây thức dậy phải có miếng trầu.

“Thỉnh thoảng đi rừng gặp bụi trầu ngon, mình thường hái về cho mọi người trong gia đình, dù quanh nhà cũng trồng. Trầu rừng lá nhỏ nhưng dày và giòn hơn trầu nhà. Miết lá trầu giữa 2 ngón tay sẽ cảm nhận được lá trầu vừa đủ độ, không quá non, cũng không quá già, đó là lúc lá trầu ngon nhất”-ông Long nói.

Những gốc cau trăm tuổi của gia đình bà Glech-làng Tpưng. Ảnh: H.N

Người Bahnar có cách làm vôi rất độc đáo để ăn trầu. Việc nung vôi thường do đàn ông thực hiện. Có lẽ vì vậy, dù không ăn trầu như số đông người dân ở đây nhưng ông Long lại hiểu rất tường tận cách nung vôi-một gia vị khiến cho miếng trầu thắm đỏ: “Mọi người thường bắt ốc suối về ăn rồi để dành vỏ để đốt thành vôi. Vỏ ốc bỏ vào ống tre già nung trên than khoảng 3-4 giờ. Sau đó, đổ vỏ ốc nung trong ống tre vào nồi đồng hầm khô thêm vài giờ nữa, lấy ra giã nhẹ sẽ thành loại bột có màu xám hồng. Đó chính là loại vôi ăn trầu ngon nhất”.

Trước đây, từng có nhiều làng Bahnar giữ tục nhuộm răng đen và ăn trầu. Nhưng đến nay, Đăk Pling gần như là vùng đất duy nhất ở Gia Lai vẫn giữ tập tục ăn trầu. Ngược dòng lịch sử, trầu rừng ở vùng đất Kông Chro nói riêng và Tây Sơn Thượng đạo nói chung là sản vật gắn liền với tên tuổi Nguyễn Nhạc. Trong những ngày đầu dấy binh tụ nghĩa ở vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, Nguyễn Nhạc trong vai người buôn trầu đã kết giao với đồng bào Bahnar để buôn bán, trao đổi sản vật, trong đó có buôn “lộc bà” (cách gọi khác của nghề buôn trầu).

Vùng đất Kiên Mỹ (thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ngày nay) còn có bến Trường Trầu. Từ đây, kết nối với các điểm buôn bán ở Tây Sơn Thượng đạo như Chợ Gò (gần An Khê đình) và các điểm dọc theo sông Ba, trong đó có huyện Kông Chro ngày nay.

Nguyễn Nhạc cũng là người tiếp nối nghề buôn trầu của cha ông, khiến nghề này phát triển khá thịnh và trăm năm sau vẫn có sức ảnh hưởng đến hậu thế. Ở An Khê, nghề buôn trầu từng rất phát triển, nhất là những năm đầu của thế kỷ XX.

Người Bahnar ăn trầu. Thực hiện: Hoàng Ngọc

Nguyễn Nhạc là người có uy tín và tầm ảnh hưởng rất lớn đối với đồng bào Bahnar. Sức ảnh hưởng lưu dấu đến tận ngày nay có lẽ rõ nhất qua tục ăn trầu. Nhà báo Ngọc Tấn từng viết: “Tập quán ăn trầu của đồng bào Bahnar không đơn thuần là sự bắt chước như có người đã nghĩ. Ngược lại, đó là sự lĩnh hội một giá trị văn hóa, một giá trị của cái đẹp để làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa của mình”.

Có thể bạn quan tâm