Thêm chiếc chum bằng gốm màu nâu đất đặt dưới gốc cây, thấy như đem được cả một góc quê về đựng giữa lòng phố.
Văn hóa trầu cau xuất hiện từ rất xa xưa trong đời sống của người Việt. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” đã phản ánh sự có mặt của trầu cau trong nếp sinh hoạt thân thuộc đời thường.
Thời trước, ngoài việc sử dụng như thói quen, người ta ăn trầu còn là để nhuộm răng. Những cô gái có hàm răng “lay láy hạt na” được xem là chuẩn mực của cái đẹp, theo quan niệm thẩm mỹ kéo dài một thời gian trong lịch sử nước nhà.
Hình ảnh “Những cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu tỏa nắng” đã neo lại trong tâm hồn nhà thơ Hoàng Cầm khi ông về bên kia sông Đuống. Miếng trầu từ đời thường đã xuất hiện rất nhiều ở mọi lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là trong văn chương.
Trí tuệ dân gian từ xa xưa đã được minh chứng qua thời gian. Bằng việc sáng tạo ra sự tích trầu cau mang đầy triết lý nhân sinh, ông cha ta đã khiến hậu thế phải suy ngẫm về nhiều phương diện.
Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa 3 thành viên trong một gia đình. Từ việc người chị dâu nhận lầm người em trai sinh đôi của chồng là chồng mình, để rồi sự khó xử sau đó khiến 3 người phải hóa thành cây cau, cây trầu và tảng đá-3 nguyên liệu chính làm nên miếng trầu. Lá xanh, quả ruột trắng, chút vôi bạc, mà khi nhai quyện với nhau lại thành ra một màu đỏ như son.
Từ cái màu đỏ ấy, người ta nghĩ về tình anh em gia đình ruột thịt, nghĩa phu thê thắm đượm sắt son. Và có lẽ vì thế mà cho đến ngày nay, trầu cau không thể vắng mặt trong lễ cưới hỏi của người Việt, như chứng nhân thiêng liêng cho một cuộc hôn nhân: “Trầu này trầu quế trầu hồi/Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình/Trầu này trầu tính trầu tình/Trầu nhân trầu ngãi, trầu mình lấy ta”.
Lá trầu xanh thơm nồng có vị cay the, quết chút vôi trắng lên lá trầu rồi têm lại, ăn kèm miếng cau ngọt thơm. Người nghiện còn thêm miếng vỏ chay và vài sợi thuốc lá. Nhai dập miếng trầu thường phải nhả nước đầu đi để khỏi bị say, rồi sau thì vừa nhai vừa nuốt nước.
Tôi cũng đã thử vài lần, cảm giác vị cay nồng xộc lên mũi khiến toàn thân lâng lâng bay bổng. Càng nhai kỹ, miếng trầu càng bớt cay và có vị ngọt hậu. Bộ vật dụng dùng để têm trầu cũng phải đầy đủ, từ bình đựng vôi, hộp đựng thuốc, que têm được vót nhọn một đầu, ống nhổ nước và bã trầu, khay đựng...
Thường thì những vật dụng ấy được chế tác đơn giản, nhưng cũng có những bộ dụng cụ được làm từ bạc hoặc đồng, chạm khắc họa tiết vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. Những bậc cao niên khi không còn khả năng nhai được vật cứng thì phải sắm những chiếc cối ngoáy trầu nho nhỏ xinh xinh, để dằm cho nhuyễn trước khi ăn.
Thường ngày miếng trầu têm để ăn thì lá chỉ cần cuốn đơn giản. Nhưng trong các dịp lễ quan trọng, những người khéo tay têm miếng trầu cánh phượng rất cầu kỳ, bay bổng, đầy nghệ thuật.
Bà nội tôi lúc trước nghiện ăn trầu. Vị thơm nồng của trầu cau luôn vương trên khăn áo bà. Tháng Giêng mưa xuân lây rây như rắc bột, đường bờ đê cỏ non mọc lun phun như mạ trải dài dọc hai bên lối đi. Bà tôi vấn tóc khăn nhung, mặc áo nâu gụ, tay xách chiếc túi cói, mà tôi biết trong đó chỉ đựng trầu cau.
Miệng bà bỏm bẻm nhai trầu, chốc chốc lại nhắc tôi đi nhanh cho kịp buổi lễ sớm. Khóe miệng bà lúc nào cũng đỏ màu nước trầu tựa đôi môi cắn chỉ và hàm răng đen nhưng nhức. Những lúc ngồi giúp bà têm trầu, tôi được nghe bà đọc ca dao, nghe bà ngân nga ngâm Kiều, nghe bà kể những chuyện xửa chuyện xưa…
Tôi đã từng nghĩ, người bà nào trên đời này cũng là một kho chuyện, kể mãi chẳng bao giờ hết. Ngày xa cũ ấy, tôi chỉ mong trời nhanh tối để ngồi ôm bà hít hà hương trầu cau trên khăn áo, nghe bà kể những chuyện dẫu đã biết rồi vẫn không thấy chán.
Giờ chẳng còn mấy người ăn trầu nữa, lớp trẻ càng không. Tôi thấy người ta sưu tầm những vật dụng khi xưa dùng trong bộ đồ trầu. Những chiếc bình vôi đã bị vôi bám lớp lớp tạo thành những hình thù lạ mắt, những chiếc que têm trầu bóng đen màu thời gian, những chiếc cối với hoa văn tinh xảo…
Nhìn những vật dụng ám đầy màu thời gian ấy, tôi vẫn như thấy thoảng đâu đây hương vị cay nồng của miếng trầu, khiến mình như lâng lâng bay bổng.
Trong vận trình không ngừng nghỉ của thời gian, nhiều điều dần không còn nữa. Miếng trầu giờ đây không còn là đầu câu chuyện. Nhưng trầu cau vẫn hiện diện trong đời sống, vẫn là chứng nhân cho những cuộc trăm năm, vẫn xuất hiện trên mâm cúng gia tiên…
Đó như là cách để chúng ta gìn giữ những giá trị truyền thống đã từng rất thân thuộc ở lại với đời sống hiện đại, trước quy luật đào thải khắc nghiệt của sự phát triển tất yếu. Những gì đã qua, những gì còn ở lại, vẫn nên được gìn giữ, để có thể nhớ về, để có thể ngẫm suy, để còn được hoài niệm… Như những dây trầu vẫn vấn vít quấn ôm lấy thân cau.