Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tục người Ba Na đặt tên cho con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với bất kỳ dân tộc nào, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ sẽ nồng thắm hơn khi họ có được đứa con đầu lòng ra đời. Đứa trẻ sẽ là nhịp cầu nối giữa cha và mẹ thêm gắn bó hơn, là sợi dây thiêng liêng buộc nghĩa tình chồng vợ bền chặt hơn.

 
 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Một đứa trẻ sinh ra, bất cứ ai, ở đâu và dân tộc nào cũng đều quan tâm đến cái tên của nó. Riêng đối với tộc người Ba Na tuy ít có sự chuẩn bị trước về việc đặt tên cho đứa trẻ; tức không có dự định đặt tên cho con khi đang còn trong bụng mẹ. Song một khi con chào đời thì việc đặt tên là rất cần thiết và khẩn trương, không thể chờ đợi lâu. Bởi người Ba Na quan niệm mọi sự chậm trễ sẽ bị ma quỷ, hay nói đúng hơn là tử thần giành đặt tên trước, và như thế đứa trẻ sẽ kém may mắn hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày xưa, phụ nữ Ba Na nói riêng, và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung, đều sinh con ở nhà và nhờ người giúp đỡ bà mẹ “vượt cạn”, đó là các bà mụ vườn mà người Ba Na gọi là “Pơjâu”. Khi bà Pơjâu đỡ đẻ thấy không ai đặt tên cho bé vừa mới chào đời thì nhắc nhở. Nếu cha mẹ và gia đình chưa kịp nghĩ ra cái tên nào thì bà mụ sẽ đặt tạm cho nó một cái tên để người nhà gọi trước khi ma quỷ biết. Sau đó nếu không ưng bụng thì có thể đổi tên khác.

Một cái tên đặt cho một người thường là một từ không có nghĩa. Tuy nhiên đôi khi cái tên lại có nghĩa. Nhất là ở vào thời kỳ xa xưa, qua các câu truyện cổ và truyện hát kể sử thi Ba Na. Các cô gái xinh đẹp thường mang cái tên rất đẹp. Ví dụ như các nàng: Rang Hơnglong (nghĩa là ánh sao), Rang Hu (ánh bạc), Rang Mah (ánh vàng). Rang trong tiếng Ba Na có nghĩa là ánh sáng và cũng có nghĩa là bông, hoa. Ví dụ: Rang Theng (hoa sen), Rang Tơdap (bông gạo), Rang Blo (hoa sổ)… Đó là tên của các cô gái xinh đẹp thường thấy ở trong áng sử thi hoặc ở trong truyện cổ. Còn các chàng trai thời xưa cũng được cha mẹ cưng yêu đặt cho cái tên thật đẹp bằng cách mượn tên của các loài chim rừng. Ví dụ: Dăm Sem Treng (Chim Treng), Dăm Sem Hlum (chim bói cá), Dăm Tre Wet (chim te te), Dăm Sem Plenh (chim én)...

Có một số gia đình có thói quen đặt tên con theo phụ âm đầu của cha hoặc mẹ. Ví dụ: cha tên là A Phan thì các con có thể là A Phu, A Pham, Y Phat, Y Phui...

Riêng những cặp vợ chồng, việc có con gặp nhiều trắc trở, kém may mắn, như bị sinh non, bị tử thần bắt mất khi còn trong bụng mẹ... họ sẽ mượn cái tên gia súc, gia cầm như gà, chó, mèo, heo... để đặt tên cho con; bởi họ quan niệm đặt tên xấu sẽ khiến quỷ thần mủi lòng thương xót mà không bắt đi. Đó là các tên như Ier (tức là gà), Ko (là chó), Meo (là mèo), Nhung (là heo). Khi đặt tên cho con trước đây người Ba Na thường không muốn đặt trùng tên với ai đó mà họ đã biết, đặc biệt là người trong dòng họ hay người cùng một làng. Trong trường hợp có hai người trùng tên nhau (thường là nam giới) sau này khi đã có tuổi tác họ sẽ kết nghĩa anh em. Việc kết nghĩa này, người Bahnar gọi là “Pô\băn”. Hai người gọi nhau là “Pô”. “Pô” có nghĩa là bạn thân thiết. Trường hợp hai người nam có cùng tên, song lại chênh lệch về tuổi tác, họ thường kết nghĩa làm cha con, gọi là “bă kon”. Người lớn chỉ nhận người kia là con khi người kia đã làm xong mọi thủ tục, tức tổ chức một bữa tiệc rượu khá linh đình; có thể thịt một con heo lớn hết cỡ, hoặc đập một con bò làm thịt với nhiều ghè rượu để mời anh em, bà con trong làng đến dự, cùng chứng kiến và cùng chia vui với “bă kon” họ.

Để đáp lại tình cảm của người con, sau này người cha cũng sẽ tặng lại người con kết nghĩa một phần tài sản của mình, như mảnh đất rẫy, hoặc trâu, bò giống để nuôi, giúp cho con kết nghĩa phát triển kinh tế gia đình.

Người mẹ sau khi hạ sinh em bé một ngày sau sẽ làm lễ đặt tên gọi là “Sem por” (đút cơm). Lễ “Sem por” gồm một ghè rượu với một con gà làm thịt. Bà mụ sẽ lấy vài hạt cơm, một miếng gan gà với vài giọt rượu ghè quệt lên môi bé và nói “Đặt tên con là X…, chúc con bú nhiều, sức khỏe tốt, mau lớn… giúp ích cho gia đình, ăn ở tốt với xóm làng, để được mọi người yêu mến”.

Ngày nay xã hội đã văn minh tiến bộ, nên bà con DTTS không còn sinh đẻ ở nhà nữa, mà hầu hết đã đến các cơ sở y tế để sinh. Quan niệm về việc đặt tên cho con cũng đã có những nét thay đổi mới. Có gia đình lấy họ thánh (đạo Công giáo) đặt họ cho con. Có cặp vợ chồng ghép tên của hai người đặt họ cho con… Nhưng A và Y vẫn không thay đổi để phân biệt giới tính nam và nữ.


https://www.baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/tuc-nguoi-ba-na-dat-ten-cho-con-25829.html
 

Theo A JAR (baokontum)

 

Có thể bạn quan tâm