Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Từng lỗ "sấp mặt", kỹ sư công nghiệp bỏ túi mỗi năm hàng tỷ đồng nhờ trồng nấm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không ít lần “lên bờ xuống ruộng” với cây nấm, nghĩ về sự nghiệp đang còn dang dở của người cha đã mất, chàng trai 8x xứ Thanh lại càng quyết tâm hơn nữa. Sau nhiều năm cố gắng, ông chủ HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng đã trở thành 1 trong 63 gương Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

Chân dung Giám đốc HTX Nông sản Hữu cơ Trúc Phượng – Lê Đình Trúc.
Chân dung Giám đốc HTX Nông sản Hữu cơ Trúc Phượng – Lê Đình Trúc.
"Sự nghiệp bất đắc dĩ"
Cho đến tận bây giờ, Lê Đình Trúc (SN 1985, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) – Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng vẫn không thể tin vào những gì anh đang làm và những khó khăn mà anh đã trải qua trong sự nghiệp làm nông nghiệp của mình. Chưa từng một ngày học về nó, nhưng cái nghề vốn “chân lấm tay bùn” ấy đã chọn anh như một công việc bất đắc dĩ mà anh phải làm.
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng Khoa điện Công nghiệp của trường Đại học Công nghiệp TP HCM, anh quyết định bám trụ lại với mảnh đất đầy “hoa lệ” để lập nghiệp. Hơn 10 năm bám trụ đất Sài Thành, Trúc sớm ổn định cuộc sống và có riêng cho mình 1 gia đình hạnh phúc. Nhưng rồi ngày biến cố gia đình xảy ra, sự nghiệp của anh cũng từ đó sang một trang mới.
“Đó là năm 2016, khi đó bố tôi đang làm chủ HTX và ấp ủ mô hình trồng nấm tại địa phương. Ông luôn ấp ủ ý nguyện sẽ đưa cây nấm phát triển gắn liền với quê hương. Nhưng do ông bị bệnh nên chưa thực hiện được hoài bão của mình thì đã qua đời. Trước lúc mất, ông mong muốn trại nấm của gia đình phải được duy trì và phát triển hơn nữa”. Anh Trúc nhớ lại kỉ niệm buồn.
Trước mong muốn của người cha, Trúc đã đi đến quyết định “liều lĩnh” từ bỏ công việc đang làm để về quê xây dựng thượng hiệu nấm tại gia đình. Nghĩ là làm, một thời gian sau anh đưa gia đình về quê để lập nghiệp. Quyết định khá táo bạo của anh khiến vợ và gia đình vô cùng ngạc nhiên, nhưng nghĩ đến cơ ngơi mà cha anh mất nhiều năm gây dựng nên rồi ai cũng ủng hộ.
Trúc kể, “Tôi chưa từng được học qua về ngành nông nghiệp. Khi đi đến quyết định về quê làm nấm cũng là quãng thời gian đắn đo đối với tôi và gia đình. Nhưng, xét thấy mô hình mà cha tôi đang theo đuổi có nhiều điểm thuận lợi đối với điều kiện ở địa phương. Từ nguồn nguyên liệu, nhân công đến cơ sở vật chất đã cơ bản ổn định nên tôi nghĩ nên đánh liều 1 phen. Một phần cũng để thực hiện di nguyện mà cha đã ấp ủ trước lúc qua đời”.
“Lên bờ xuống ruộng”vì nấm

Những phôi nấm vừa được cấy trồng tại cơ sở.
Những phôi nấm vừa được cấy trồng tại cơ sở.
Đảm nhận vị trí thay cha, ông chủ HTX trẻ tuổi quyết định dốc toàn bộ số vốn tích lũy nhiều năm đi làm để hoạt động. Anh bắt đầu xây dựng lại hệ thống nhà màng, mở rộng quy mô, cải tiến máy móc theo phương hướng mới. Nhưng với kỹ năng của một kỹ sư điện áp dụng vào làm nông nghiệp đã khiến anh gặp muôn vàn khó khăn.
“Để có được như ngày hôm nay cũng mất 2 -3 năm “lên bờ xuống ruộng” vì nấm. Sau khi dốc toàn vốn tôi bắt tay vào làm việc. Nhưng, quả thật để làm kinh tế từ cây nấm không phải chuyện dễ dàng. 3 năm đầu gần như tôi hoàn toàn thua lỗ. Kinh nghiệm không có, chưa nghiên cứu được phương pháp để cây nấm sống thích hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của xứ Thanh, thế nên cây nấm không cho năng suất cao. Tính ra mỗi năm thua lỗ từ 200 – 300 triệu đồng”.
Thất bại là vậy, nhưng với ý chí của một người con nông dân cần cù, Lê Đình Trúc đã không nản lòng. Mặt khác, anh càng hăng say nghiên cứu cây nấm, anh hăng say đến độ đam mê cây nấm từ lúc nào không hay. “Lúc đó tôi không hề có ý định bỏ cuộc mà chỉ nghĩ tại sao lại thất bại. Rồi cuối cùng cũng tìm được câu trả lời để tiếp tục với nó. Mỗi lần thất bại là một lần học phí.”, anh Trúc chia sẻ.
3 năm thất bại đã giúp anh đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm trong việc trồng nấm. Theo kinh nghiệm từ vị giám đốc trẻ, cây nấm không ưa thời tiết nắng nóng, muốn cây nấm sống khỏe phải tạo được điều kiện khí hậu thuận lợi. Sau khi tìm ra phương pháp, anh quyết định huy động thêm vốn để tiếp tục lại sự nghiệp.
Lần này, để có được vốn đầu tư, anh quyết định huy động người nhà thế chấp sổ đỏ để vay vốn. Sau đó, anh cho xây dựng nhà giàn, hệ thống phun nước tự động… điều đặc biệt, khác hẳn với phương pháp nuôi nấm trên treo, Trúc đã quyết định lắp đặt các giá đỡ để nuôi nấm. Và rồi, thành công cũng đã đến với anh.
“Để duy trì và phát triển mô hình này tôi đã phải “cắm” hơn 10 cái sổ đỏ để đầu tư hạ tầng và cơ sở trang thiết bị. Mỗi năm đầu tư mỗi tý, việc nghiên cứu giống để hợp với thị trường tiêu thụ cũng rất quan trọng. Nói chung, trồng nấm điều quan trọng là kinh nghiệm, nếu nắm bắt được ưu nhược điểm của nó thì mới thành công được”. Anh Trúc cho biết thêm.
Thu nhập bạc tỷ mỗi năm

Nấm Linh chi, một trong những loại nấm quý được trồng tại HTX Trúc Phượng.
Nấm Linh chi, một trong những loại nấm quý được trồng tại HTX Trúc Phượng.
Sau nhiều năm tâm huyết với cây nấm, đến nay, Lê Đình Trúc đang là chủ sở hữu HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng rộng 5.000m2 với doanh thu hơn 1,7 tỷ đồng mỗi năm. Thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP, hợp tác xã của Trúc cũng đã có 3 sản phẩm đạt OCOP chuẩn 3 sao cấp tỉnh (mộc nhĩ, nấm linh chi, nấm bào ngư xám).
Theo vị giám đốc trẻ, mỗi năm HTX của anh xuất ra thị trường khoảng 400.000 bịch nấm các loại. Dự kiến đến năm 2021 số lượng sẽ tăng lên 500.000 bịch. Trong đó, nấm bào ngư là một trong những mặt hàng bán chạy nhất và đây cũng là sản phẩm được đầu tư trồng nhiều nhất tại cơ sở. Năm 2019 vừa qua, anh xuất bán ra thị trường hơn 300.000 bịch (khoảng 40 tấn), với giá bán 35 nghìn/1kg (sỉ) và 40 nghìn/1kg (lẻ), anh thu về từ 1,3 – 1,5 tỷ đồng.
Nói về nấm bào ngư xám, Trúc cho hay: “Nấm bào ngư xám là một trong những giống nấm khó chăm sóc. Tuy nhiên, đây lại là loại nấm dễ bán trên thị trường. Nấm bào ngư xám có ưu điểm dễ ăn, ngon, bổ dưỡng mà giá thành lại tầm trung bình nên được nhiều người rất ưa chuộng.”
Ngoài ra, tại cơ sở Trúc Phượng còn có rất nhiều sản phẩm nấm như nấm rơm, mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm sò trắng… Một số loại nấm quý như nấm linh chi cũng được anh Trúc đầu tư nuôi trồng. Hiện tại, mỗi năm cơ sở của anh xuất đi từ 3 - 4 tạ nấm linh chi. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội và Thanh Hóa.

 
Chia sẻ về kinh nghiệm, Trúc nói: “Trồng nấm quan trọng phải khắc chế được thời tiết. Nấm thường bị bệnh do thời tiết không đảm bảo để nó sinh trưởng. Các bệnh thường gặp ở nấm chủ yếu là do vi rút nấm khác xâm nhập. Khí hậu ở Thanh Hóa rất khắc nghiệt. Tuy nhiên, về nguyên liệu thì tại địa phương rất sẵn có, đây cũng là những thuận lợi rất cần thiết trong quá trình làm nấm.
Theo anh Trúc, để có được nguồn nguyên liệu hợp lý, anh chủ yếu thu gom mùn cưa từ các xưởng sản xuất keo trên địa bàn. Việc tìm nhân công lao động cũng là điều kiện thuận lợi đối với anh. Với phương châm tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân tại địa phương, đến nay, mỗi đợt chính vụ tại cơ sở của anh có từ 20 -30 công nhân lao động, ngày ít thì từ 10 – 15 người.
Ông Nguyễn Hữu Quang – Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, cho biết: "Những năm qua Lê Đình Trúc là một trong những gương sáng điển hình trong làm kinh tế ở địa phương. Ngoài ra, cơ sở của anh còn giải quyết vấn đề việc làm cho rất nhiều lao động. Không chỉ thế, anh Trúc còn là một trong những tấm gương trẻ cho nhiều thế hệ sau học tập và noi theo.”
Nói về dự định tương lai, Trúc bật mí, trong thời gian tới anh sẽ mở rộng mô hình hơn nữa. Theo đó, anh sẽ thuê lại khoảng 2ha đất để mở rộng nhà xưởng, tăng sản lượng khai thác lên gấp 2 – 3 lần trong năm 2021.
Tuấn Kiệt (Theo Báo Thanh Hóa/Dân Việt)
https://etime.danviet.vn/tung-lo-sap-mat-ky-su-cong-nghiep-bo-tui-moi-nam-hang-ty-dong-nho-trong-nam-20200912152018078.htm

Có thể bạn quan tâm