Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Tuổi trẻ Gia Lai đón nhận "làn sóng" khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 (GLO)- Với niềm đam mê và tinh thần dám dấn thân vượt qua thử thách, nhiều bạn trẻ ở Gia Lai đã tiên phong trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, "làn sóng" khởi nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

1. Anh Nguyễn Hải Phong (SN 1983, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) là tấm gương khởi nghiệp điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhận thấy quê hương mình có vùng nguyên liệu cà phê rộng lớn nhưng người trồng chỉ nhận lại rất ít lợi nhuận, anh đã tham gia các lớp học về trồng, chăm sóc và chế biến cà phê chất lượng cao.

"Năm 2018, tôi thành lập Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên (trụ sở tại 133 Cao Bá Quát, TP. Pleiku) với mục tiêu xây dựng các vùng nguyên liệu sinh thái hữu cơ nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững từ các khâu: chọn lọc giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến để nâng tầm giá trị hạt cà phê Việt Nam; đồng thời, tạo nguồn thu nhập tốt và xây dựng văn hóa làm cà phê sinh thái hữu cơ chất lượng cao cho cộng đồng"-anh Phong chia sẻ.

Anh Nguyễn Hải Phong xây dựng vùng nguyên liệu sinh thái hữu cơ nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Ảnh: T.D

Anh Nguyễn Hải Phong xây dựng vùng nguyên liệu sinh thái hữu cơ nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Ảnh: T.D

Với 2 giống cà phê Arabica và Robusta, anh Phong đã xây dựng vùng nguyên liệu trải dài trên vùng đất Gia Lai và Kon Tum. Đây là những nơi đã được anh tìm hiểu, khảo sát và đánh giá có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cho ra hạt cà phê chất lượng tốt, hương vị đặc trưng. Bên cạnh đó, anh Phong còn hợp tác thu mua cà phê tươi của các hộ nông dân tại vùng nguyên liệu với mức giá tốt nhất. Sau đó, anh liên kết với cộng đồng hình thành hệ thống trang trại cà phê sinh thái bền vững trên vùng nguyên liệu, cung cấp giống chất lượng cao được thế giới ưa chuộng và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Anh Phong cho biết: "Để nâng tầm giá trị hạt cà phê, Công ty hỗ trợ về máy móc, kỹ thuật sơ chế cho người dân. Các công đoạn này đều có văn bản thỏa thuận liên kết và hợp đồng mua bán giữa Công ty và các tổ chức đại diện cho nông dân. Sau khi thu hoạch và sơ chế, hạt cà phê được rang với độ chín tới để tạo hương vị đặc trưng nguyên bản. Nhân rang được đóng gói trong túi có van 1 chiều để đảm bảo sản phẩm được bảo quản cách ly với môi trường trước khi tới tay khách hàng với thương hiệu Kopic Coffee".

Hiện nay, Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên là một trong những đầu mối chính bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân cũng như hợp tác xã tại Gia Lai và Kon Tum với hàng ngàn héc ta cà phê. Trung bình mỗi vụ, Công ty thu mua và sơ chế khoảng 260 tấn cà phê nhân xanh theo phương pháp Honey và Natural. Mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 200 tấn cà phê nhân xanh sang thị trường Nga và Oman.

Anh Phong nhận định: "Cà phê chất lượng cao được sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch. Để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo cuộc sống ổn định của người trồng thì cần đẩy mạnh các chương trình sản xuất cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế”.

2. Anh Đỗ Mạnh Cương (SN 1991, làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang) là một trong những người tiên phong khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Anh Cương thuộc thế hệ những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và quyết tâm biến ý tưởng thành hành động.

Anh nhận thức rằng khi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang là thách thức lớn thì việc tìm kiếm những giải pháp công nghệ, những mô hình kinh doanh theo hướng xanh hóa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững đang được nhiều người quan tâm. Tại Gia Lai, khởi nghiệp xanh còn khá mới mẻ nhưng đã có tín hiệu cho thấy xu hướng người dùng đặc biệt hưởng ứng các sản phẩm xanh. Đây là tiềm năng để xây dựng mô hình kinh doanh bền vững. Năm 2020, anh thành lập tổ mây tre đan tại làng Đê Kjiêng mà nghệ nhân đan lát chính là những người dân Bahnar hiền hậu, chất phác.

Với mục tiêu gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar, đồng thời, giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, văn hóa, con người vùng đất Đê Kjiêng, anh Cương không ngừng học hỏi, tìm kiếm mẫu mã đan lát phù hợp để tạo ra sản phẩm đúng thị hiếu của khách hàng. Ngoài rổ rá, nia, gùi… các thành viên trong tổ mây tre đan của làng đã cùng anh Cương cần mẫn sáng tạo ra những chiếc bàn trà, vali, túi xách… Những sản phẩm mới lạ này đã tạo sức hút với đông đảo khách hàng và đem lại hứng thú cho các nghệ nhân đan lát.

Nghệ nhân Byơh hào hứng chia sẻ: "Nghề truyền thống của người Bahnar được nâng tầm với những sản phẩm sáng tạo, mới lạ và phù hợp với thị trường. Chúng tôi rất tự hào vì điều này".

Sản phẩm mây tre đan của anh Đỗ Mạnh Cương được du khách yêu thích (ảnh nhân vật cung cấp).

Sản phẩm mây tre đan của anh Đỗ Mạnh Cương được du khách yêu thích (ảnh nhân vật cung cấp).

Năm 2022, anh Cương mạnh dạn mang một số sản phẩm mây tre đan "vượt ra khỏi lũy tre làng" tham gia sự kiện thành lập Làng công nghệ sinh thái (Techfest 2022) tại TP. Hồ Chí Minh. Các sản phẩm mây tre đan đã được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, tính ứng dụng cao và cả mặt thẩm mỹ. Sau sự kiện này, anh có thêm động lực và niềm tin để khích lệ cộng đồng Bahnar ra sức giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống.

"Để đưa sản phẩm vươn tầm, ngoài việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, tôi còn giới thiệu trên các trang bán lẻ như: eBay, Alibaba, Amazon… Thật bất ngờ là khách quốc tế rất ưa chuộng, qua đó, giúp tăng giá trị cho các sản phẩm của làng nghề. Tôi còn ấp ủ dự định kết hợp thổ cẩm vào các sản phẩm mây tre đan để tạo nên dấu ấn độc đáo giúp nhận diện sản phẩm thủ công từ nguyên liệu bản địa"-anh Cương cho hay.

Năm 2023, Dự án "Phát triển kinh tế người Bahnar dựa trên nguyên liệu mây tre bản địa" của nhóm Bahnar-Xanh do anh Cương làm trưởng nhóm đã lọt vào vòng bán kết khu vực cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. Ý tưởng và sản phẩm độc đáo này được Ban tổ chức chọn là một trong những dự án tiềm năng để giới thiệu trong chiến lược truyền thông. "Từ đây, người Bahnar sống ở làng có thể tự tin khai thác giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên để làm sinh kế và cùng nhau quảng bá nền văn hóa của dân tộc mình"-anh Cương chia sẻ.

3. Chị Phạm Thị Mơ (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) mang đến "làn gió mới" cho nông nghiệp Gia Lai khi chọn lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để khởi nghiệp. Sau khi tham gia các lớp tập huấn và tham quan nhiều mô hình nông nghiệp sạch do địa phương tổ chức, chị Mơ bắt tay trồng cà chua và dưa leo theo hướng bán thủy canh.

Chị bày tỏ: "Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp. Trước xu thế ấy, những người trẻ ở Gia Lai cũng đã nhanh chóng tiếp cận và mạnh dạn thử sức. Bản thân tôi cũng muốn tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào trồng trọt để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tôi quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng cà chua, dưa leo trong nhà lồng theo hướng sinh học hữu cơ áp dụng công nghệ cao. Bên cạnh những kiến thức đã học thì để đầu tư mô hình này, tôi đã phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu trên sách, báo và internet".

Chị Phạm Thị Mơ (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) là 1 trong 3 thanh niên tiêu biểu của tỉnh tham dự Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022. Ảnh: T.D

Chị Phạm Thị Mơ (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) là 1 trong 3 thanh niên tiêu biểu của tỉnh tham dự Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022. Ảnh: T.D

Năm 2019, chị Mơ đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà màng rộng hơn 1.200 m2 để trồng cà chua và dưa leo. Việc sử dụng hệ thống nhà màng khép kín giúp hạn chế tác động của thời tiết và côn trùng gây hại cây trồng. Trong nhà màng, chị Mơ trồng cà chua Cherry đỏ và vàng, dưa leo Aiko của Nhật Bản. Mỗi cây cà chua được trồng trong 1 bầu và có hệ thống tưới tự động nên đảm bảo cung cấp nước thường xuyên, chất dinh dưỡng được pha sẵn, cứ 1 giờ thì tưới 1 lần, mỗi lần 5 phút.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, cây trồng phát triển nhanh; khi có tua cuốn thì được treo lên từng sợi dây nối với hệ thống khung giàn cố định; chỉ cần uốn ở phần gốc thì cây vẫn sinh trưởng tốt mà không chiếm nhiều không gian. Những loại cây này cho thu hoạch sau 85-90 ngày xuống giống. Trung bình mỗi tháng, mô hình đem lại cho gia đình chị nguồn thu hơn 30 triệu đồng.

Thách thức đối với hoạt động khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao còn ở việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Để tiêu thụ, chị Mơ giới thiệu sản phẩm theo hình thức online, đưa sản phẩm vào cửa hàng thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, chị tạo điều kiện để khách hàng đến tham quan trải nghiệm tại nhà vườn. Tại đây, khách có thể tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để cho ra những sản phẩm chất lượng. Song song với đó, chị Mơ sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn cho khách về sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Nói về mô hình khởi nghiệp của chị Mơ, anh Nguyễn Tấn Công-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai-cho rằng: "Bằng sự can đảm và sáng tạo, chị Mơ đã góp phần xây dựng một cộng đồng nông nghiệp hiện đại, bền vững, hiện thực hóa ước mơ nông nghiệp xanh ngay trên mảnh đất quê hương. Dù mô hình đạt được những kết quả tốt nhưng chị vẫn không ngừng học tập kiến thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ các lớp tập huấn, các buổi hội thảo hoặc tranh thủ tham vấn các chuyên gia, kỹ sư và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ ở địa phương".

Có thể bạn quan tâm