Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tượng gỗ dân gian góp phần định vị bản sắc văn hóa Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tượng gỗ dân gian cùng những nghệ nhân sáng tạo nên chúng đã góp phần định vị bản sắc văn hóa vùng đất Pleiku. Không chỉ có một vị trí đặc biệt trong văn hóa tâm linh nơi nhà mồ hay nhà rông, ngày nay, tượng gỗ đã có mặt khắp nơi, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Phố núi.

Biểu tượng tâm linh

Từ xa xưa, đàn ông người Jrai, Bahnar ở Pleiku đã biết làm tượng gỗ. Bởi chúng là vật không thể thiếu trong các khu nhà mồ. Trong lễ bỏ mả, họ thường làm tượng gỗ cho người đã khuất. Các bức tượng mang nhiều lớp ý nghĩa khác nhau, thể hiện quan niệm về sự sống, cái chết; là những hình ảnh vừa mộc mạc, quen thuộc vừa sinh động, huyền ảo, thể hiện tính nghệ thuật tạo hình cao.

Ông R'Cơm Hmyơk (70 tuổi, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ) nhắc nhớ: “Lễ bỏ mả có ý nghĩa quan trọng trong nghi lễ vòng đời, kết thúc sự tồn tại của một con người. Chính vì thế, tượng gỗ đặt tại nhà mồ để thể hiện tín ngưỡng dân gian, vừa bầu bạn, vừa thể hiện tình cảm của người còn sống với người đã khuất. Đàn ông trong làng rủ nhau đi lấy gỗ rồi về tạc tượng đủ các loại hình và để quanh nhà mồ”.

Ông R'Cơm Hmyơk là nghệ nhân tạc tượng giỏi nhất làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Ảnh: T.D

Ông R'Cơm Hmyơk là nghệ nhân tạc tượng giỏi nhất làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Ảnh: T.D

Cũng theo ông Hmyơk, hồi 20 tuổi, ông đã là người tạc tượng giỏi nhất làng. Hầu hết tượng ở khu nhà mồ đều do ông chế tác, đẽo gọt với nhiều mô típ như: tượng người phụ nữ, người giã gạo, đánh trống... Phổ biến nhất và có mặt trong các nhà mồ là tượng người ngồi khóc. Bên cạnh đó, khá nhiều tượng mẹ con với nhiều hình dạng như mẹ cõng con, mẹ dắt con, mẹ bế con, mẹ địu con…

Tại làng Ốp (phường Hoa Lư), ông Siu Núi cũng là một trong những người tạc tượng giỏi. Ông cho hay: “Từ khi sinh ra, tôi đã thấy ông, cha mình làm tượng để bỏ mả và đặt trước nhà rông. Từ một thân gỗ nguyên khối, màu sắc hoàn toàn tự nhiên, sau nhiều thao tác, người tạc đã tạo nên những bức tượng có hồn”.

Chỉ bằng dụng cụ thô sơ như rìu, rựa, dao, đục, những nghệ nhân tạc tượng như ông Núi đã thổi hồn vào những khúc gỗ vô tri, biến chúng thành những hình thù con vật, hình người đa dạng, nhiều sắc thái, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong mùa lễ hội, phản ánh sự sinh động của cuộc sống, góp phần làm nên nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống. Trong đó, phổ biến nhất ở loại hình tượng nhà mồ, nhà rông là các tượng sinh hoạt như người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, nữ cầm quả bầu, nam đánh trống, thợ rèn, người lấy nước, phụ nữ giã gạo, địu con…

Còn với những nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm như ông Ak (làng Chuét 2, phường Thắng Lợi) thì chỉ cần nhìn qua vân gỗ, thớ gỗ, sắc độ đậm nhạt của lõi gỗ là có thể lựa thế tạo ra bức tượng. Không có khuôn mẫu chung, mỗi bức tượng là một sản phẩm độc đáo, duy nhất. Với ông, tạc tượng gỗ không chỉ là tín ngưỡng thiêng liêng mà còn là một nghề thủ công lâu đời và độc đáo của dân tộc.

Bởi vậy, người đàn ông phải có đôi tay thật cứng cáp, mạnh mẽ để có thể cầm chắc chiếc búa, chiếc rìu; đôi mắt phải thật sáng và tinh tường; còn trí tưởng tượng thì phải thật phong phú để tạo nên hình tượng gỗ sắc sảo, bền đẹp.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương-Phó Trưởng phòng Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) là người tâm huyết với văn hóa dân gian và đã có một số công trình nghiên cứu về đề tài bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian các tộc người Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh.

Chị cho biết: Nghệ nhân tạc tượng đã thổi hồn vào những bức tượng gỗ, truyền tải nhiều giá trị tinh thần. Đó là những giá trị nghệ thuật, làm đẹp, làm tươi mới không gian sinh sống chung của cả cộng đồng và mang giá trị tâm linh sâu sắc. Đó cũng là những món quà, lễ vật tâm linh của người sống dành cho người đã khuất mang về thế giới atâu.

Sản phẩm du lịch độc đáo

Theo quan niệm truyền thống của người Bahnar, Jrai thì tượng gỗ đa phần làm ra là để phục vụ đời sống tâm linh. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều yếu tố hiện đại đã tác động tích cực đến ý nghĩa, chức năng của tượng gỗ dân gian.

Bên cạnh những giá trị truyền thống thì chức năng quảng bá, định vị văn hóa dân tộc, vùng đất xuất hiện ngày càng nhiều và dần được cộng đồng chấp nhận. Tượng gỗ dân gian được nhiều cá nhân sưu tập, trưng bày, trang trí trong các nhà hàng, khu du lịch…

Tượng gỗ dân gian xuất hiện nhiều tại các nhà hàng, quán cà phê… trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Trần Dung

Tượng gỗ dân gian xuất hiện nhiều tại các nhà hàng, quán cà phê… trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Trần Dung

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-chia sẻ: Năm 2018, UBND thành phố đã cho lắp đặt mô hình trưng bày tượng gỗ tại Làng văn hóa-du lịch Plei Ốp. Năm 2022, Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với UBND xã Biển Hồ (TP. Pleiku) tổ chức lắp đặt mô hình trưng bày “Vườn tượng gỗ Bahnar, Jrai” tại khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng làng Ia Nueng.

Các hoạt động này đã góp phần quảng bá di sản, phục vụ du khách tham quan, phát triển du lịch cộng đồng. Rất đông du khách đến đây đều thích thú trước dáng vẻ của những bức tượng mô tả đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất như cõng nước, gùi củi, vác rìu lên rẫy, giã gạo, uống rượu cần, xoang, đánh trống, chiêng, đàn goong hay mô tả tình cảm gia đình: cha cõng con, mẹ địu con, bà ôm cháu...

“Ngoài tạc tượng cỡ lớn, các nghệ nhân còn được học cách thu nhỏ tượng thành sản phẩm du lịch độc đáo. Việc thu nhỏ tượng gỗ dân gian thành sản phẩm du lịch, quà lưu niệm đã tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, du khách, góp thêm điểm nhấn cho du lịch Pleiku”-ông Hà thông tin.

Gần đây, tượng gỗ dân gian xuất hiện nhiều tại các nhà hàng, quán cà phê; mỗi nơi có cách bài trí riêng nhưng chung quy vẫn toát lên được vẻ đẹp riêng của văn hóa vùng miền. Chị Nguyễn Thị Vy Vy-Chủ showroom trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc sản Gia Lai (phường Hoa Lư) cho hay: “Showroom đã chọn các loại tượng gỗ dân gian để trưng bày, vừa làm đẹp không gian vừa thu hút khách du lịch tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Jrai, Bahnar ở Pleiku. Nhiều du khách tới đây chụp hình lưu niệm và bày tỏ sự thích thú, ấn tượng trước không gian đặc biệt này”.

Du khách tham quan vườn tượng gỗ tại làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Ảnh: Trần Dung

Du khách tham quan vườn tượng gỗ tại làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Ảnh: Trần Dung

Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương: “Nếu định vị một loại hình văn hóa cho Pleiku thì cũng có thể coi tượng gỗ dân gian là một sản phẩm văn hóa đầy tiềm năng. Nó đã và đang góp phần làm cho không gian phố núi Pleiku trở nên đẹp hơn, có bản sắc hơn và đặc biệt là tạo được sản phẩm du lịch đặc trưng riêng”.

Bất ngờ với hình ảnh tượng gỗ dân gian có mặt ở nhiều nơi trong lòng TP. Pleiku, chị Nguyễn Thị Hoài Thương-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh-hào hứng chia sẻ: “Tôi thấy cấp ủy, chính quyền ở Pleiku rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Từ giá trị tâm linh, tượng gỗ đã trở thành sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá, định vị bản sắc văn hóa Pleiku. Với những nét đẽo tạc điêu luyện, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân”.

Còn Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương thì cho rằng: Tượng gỗ dân gian trên địa bàn TP. Pleiku là một di sản văn hóa thuộc về loại hình điêu khắc gỗ truyền thống. Trên thực tế, tượng gỗ dân gian được bài trí nhiều ở khu nhà mồ, trong các lễ trọng và truyền thống trước đây. Tuy nhiên, ngày nay, người ta còn sử dụng tượng gỗ để trang trí ở nhiều không gian khác trong đời sống sinh hoạt của bà con như: nhà rông, nhà sàn, kho thóc…

Nhiều nghệ nhân tạc tượng rất muốn đưa vẻ đẹp tượng gỗ dân gian đến với du khách khắp mọi miền thông qua việc đưa tượng gỗ kích cỡ nhỏ vào làm quà lưu niệm, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến với Pleiku. Họ vẫn miệt mài truyền nghề cho người trẻ, lớp trước nối lớp sau giữ nghề tạc tượng.

Tin rằng với những nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ từ nhiều phía, tượng gỗ dân gian sẽ trở thành một sản phẩm du lịch thú vị của vùng đất Pleiku, để lại cảm tình sâu đậm trong lòng mỗi người khi đến với vùng đất giàu truyền thống lịch sử-văn hóa và vô cùng mến khách.

Có thể bạn quan tâm