Giáo dục

Tuyển sinh

Tuyển sinh đại học: Có nên xét tuyển học bạ trung học phổ thông?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu quan điểm về việc các trường đại học (ĐH) xét tuyển sớm có tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối.

Đặc biệt, một số đại biểu dự hội nghị đề nghị giảm, thậm chí bỏ phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025. Liệu điều này có nhất thiết hay không?

Từ thí điểm đến đại trà

Ngay sau hội nghị nói trên, dư luận khá hoang mang bởi thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chưa có đầy đủ, cũng chưa biết các trường ĐH sẽ thay đổi các phương thức tuyển sinh như thế nào để phù hợp với hơn 1 triệu thí sinh lần đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH chính quy, thí sinh phải tốt nghiệp THPT mới được đăng ký xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, quay trở lại cách đây 12 năm (từ năm 2012 trở về trước), tất cả các trường ĐH chỉ được phép xét tuyển những thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh ĐH “ba chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả, được thực hiện từ năm 2002).

Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT cho phép 10 trường ĐH thuộc khối văn hóa - nghệ thuật xét tuyển thí điểm theo điểm trung bình 3 năm học THPT. Đến năm 2014, có thêm 62 trường ĐH được thực hiện đề án tuyển sinh riêng, thực chất là giao quyền tự chủ tuyển sinh để nhà trường tự quyết định chọn phương thức tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học lực 3 năm học THPT hoặc kết quả thi tuyển sinh “3 chung”.

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học ngày 20-8 tại Trường ĐH Công thương TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học ngày 20-8 tại Trường ĐH Công thương TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG

Từ năm 2015, khi hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH “3 chung” được hợp nhất thành kỳ thi THPT Quốc gia với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và dùng kết quả để xét tuyển ĐH, chỉ duy nhất ĐH Quốc gia Hà Nội xét tuyển hoàn toàn dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (kỳ thi riêng) do ĐH này tổ chức. Đa số các trường ĐH còn lại vẫn xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng số lượng trường ĐH có xét tuyển theo học bạ THPT cũng đã lên đến khoảng 150 trường.

Khi kỳ thi THPT Quốc gia đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2020, số trường ĐH xét tuyển theo học bạ THPT đã lên đến gần 200 (các trường cao đẳng vốn chỉ xét tuyển theo học bạ THPT đã tách ra, không xét tuyển chung hệ thống với các trường ĐH từ năm 2018).

Như vậy, xét tuyển học bạ THPT đã ngót nghét 11 năm, và được xem là phương thức lớn thứ 2 sau phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tính hợp lý của nó là công nhận quá trình học tập suốt 3 năm học THPT (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) cùng với điều kiện phải tốt nghiệp THPT.

Tôn trọng quyền tự chủ

Năm 2024, theo đề án tuyển sinh do các trường ĐH công bố, có 210 trường ĐH sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT cho một số ngành hoặc tất cả các ngành đào tạo của trường. Như vậy, phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT đang là phương thức xét tuyển của đa số các trường ĐH (cả nước hiện có khoảng gần 250 trường ĐH).

Chỉ các trường ĐH có đông thí sinh đăng ký xét tuyển, mức độ cạnh tranh cao mới không xét tuyển theo học bạ THPT. Số liệu 2 năm gần nhất do Bộ GD-ĐT thống kê cho thấy, kết quả tuyển sinh theo phương thức xét tuyển học bạ THPT chiếm khoảng 1/3 tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học (năm 2022 là 36,24%; năm 2023 là 30,24%), chỉ đứng sau phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT (năm 2022 là 52,38%; năm 2023 là 49,45%).

Cán bộ tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ TPHCM hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nhập học ngày 20-8.

Cán bộ tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ TPHCM hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nhập học ngày 20-8.

Về mặt khoa học, phương thức xét tuyển này đã được minh chứng qua các kết quả khảo sát, đối sánh kết quả học tập giữa sinh viên trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và sinh viên trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều trường ĐH đã thực hiện phân tích kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển đầu vào theo từng phương thức tuyển sinh, trong đó có phương thức xét học bạ THPT.

Những nghiên cứu phân tích tại các trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Công thương TPHCM, ĐH Nha Trang, ĐH Sư phạm TPHCM… cho thấy kết quả học tập của các sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ THPT cũng tương tự các sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu như điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT ở mức cao phù hợp và tiêu chí xét tuyển phải dựa trên quá trình học 3 năm ở bậc THPT chứ không chỉ dựa vào 1, 2 học kỳ ở năm lớp 12.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển ĐH. Điều này hoàn toàn phù hợp và theo đúng tinh thần tự chủ tuyển sinh của Luật Giáo dục Đại học năm 2018: “các trường được tự chủ tuyển sinh, đó là thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển”.

Theo các chuyên gia giáo dục, mục tiêu tuyển sinh của các trường ĐH là tuyển đủ chỉ tiêu và tuyển được các thí sinh có năng lực tốt nhất, phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng ngành hoặc từng trường. Với mục tiêu đó, phương thức xét tuyển theo học bạ THPT sẽ phù hợp cho từng trường ĐH chứ không nên nâng thành quan điểm cực đoan là phải giảm chỉ tiêu, thậm chí loại bỏ phương thức xét tuyển học bạ THPT.

Bộ GD-ĐT sớm định hình công tác tuyển sinh ĐH năm 2025 và đồng thời làm tốt công tác hậu kiểm mở ngành, các điều kiện đảm bảo chất lượng và nhất là mạnh tay với tuyển vượt chỉ tiêu.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM

Có thể bạn quan tâm