Bạn đọc

Tuyển sinh đại học: Tinh thần tự chủ được đề cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bỏ điểm sàn xét tuyển vào cao đẳng, đại học trên tinh thần giao quyền tự chủ cho các đơn vị đào tạo (riêng khối trường sư phạm thì vẫn khống chế điểm sàn) nên các trường đã có nhiều cách tuyển sinh chủ động và linh hoạt nhằm đảm bảo chỉ tiêu.
Khối các trường tuyển sinh căn cứ vào kết quả thi THPT Quốc gia vẫn làm theo cách truyền thống là chờ công bố chính thức điểm thi mới có thể xác định điểm đầu vào của từng khối ngành. Dù năm nay có trục trặc do vài địa phương để xảy ra tiêu cực trong thi cử khiến Bộ GD-ĐT phải chỉ đạo rà soát việc chấm thi trên toàn quốc, nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tuyển sinh của các đơn vị đào tạo vì nhìn chung số thí sinh thay đổi kết quả sau khi chấm lại không đáng kể.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Căn cứ vào kết quả kỳ thi “2 trong 1” năm nay, điểm số của thí sinh không cao như năm trước, không có “mưa điểm 10” nên nhiều trường đại học đều hạ điểm chuẩn đầu vào từ 1 điểm đến 4 điểm. Một số trường đưa ra điểm sàn ở mức 14 điểm, thấp hơn so với điểm sàn của Bộ ấn định năm ngoái là 15 điểm. Riêng các trường đại học sư phạm, năm nay, Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn là 17 điểm. Như vậy, so với mặt bằng chung của các trường tốp trên là khá cao. Điều đáng mừng là đến ngày 28-7, sau khi chốt lại việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh thì điểm sàn của khối các trường sư phạm vẫn được duy trì ở mức cao, tỷ lệ chọi cũng tương đương năm trước. Các khối ngành kỹ thuật vẫn dẫn đầu, nhất là các ngành kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin và điểm xét tuyển giảm không đáng kể so với năm trước. Một số trường đã chủ động xét tuyển theo kế hoạch đã định dù chưa có kết quả điểm thi tốt nghiệp, như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hình thức thi đánh giá năng lực thí sinh và xem đây là một trong 4 phương thức tuyển sinh của đơn vị này và đã tuyển được một lượng sinh viên đáng kể; còn các trường xét tuyển theo điểm học bạ lớp 12 cũng cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ GD-ĐT cũng đã có sự kiên quyết đối với những trường hợp “xé rào” của các đơn vị đào tạo trong công tác tuyển sinh. Công tác thanh-kiểm tra sẽ được đề cao nhằm kịp thời chấn chỉnh các trường đại học, cao đẳng không thực hiện đúng quy chế tuyển sinh.
Trước mùa tuyển sinh năm nay, dư luận lo ngại rằng khi Bộ “thả nổi” điểm sàn cho các đơn vị đào tạo thì sẽ dẫn đến tình trạng các trường hạ điểm tối đa để lấy đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên đến nay, hiện tượng này chưa xuất hiện phổ biến, hiện chỉ có một số trường công bố mức điểm sàn 14 trong bối cảnh điểm thi chung cả nước đều thấp. Tuy vậy, nhiều người cho rằng, sau khi các trường đại học tốp dưới “xét vét” lần 2 thì các trường cao đẳng còn lại sẽ không thể nào đảm bảo đủ chỉ tiêu tuyển sinh, dẫn đến nguy cơ một số trường có thể phải giải thể.
Những năm trước đây, thí sinh chọn vào đại học thường theo phong trào hoặc theo sự lựa chọn của cha mẹ. Nhưng hiện nay, đa phần các em thường dựa vào khả năng của mình để đăng ký vào ngành học có triển vọng nghề nghiệp. Điều này đã từng bước dẫn dắt các em đến những lựa chọn đúng đắn hơn. Vì thế, sự cạnh tranh giữa các đơn vị đào tạo không phân biệt là trường công lập hay tư thục sẽ ngày càng sòng phẳng hơn; con đường tự chủ được mở rộng sẽ là điều kiện cho các trường phấn đấu nâng cao uy tín để có thể đứng vững trong giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm