NHỮNG MÔN LẦN ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN
Hiện nhiều trường ĐH đã công bố dự thảo kế hoạch tuyển sinh đầu vào năm nay, trong đó có một điều chỉnh lớn liên quan đến tổ hợp môn xét tuyển.
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non, tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm. Các tổ hợp trong cùng một ngành phải có số môn chung chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Từ dự thảo này, các trường ĐH đồng loạt thực hiện điều chỉnh tổ hợp xét tuyển trong năm 2025. Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) định hướng áp dụng 5 tổ hợp xét tuyển cho tất cả các ngành. Cụ thể: toán - tiếng Anh - ngữ văn, toán - tiếng Anh - vật lý, toán - tiếng Anh - tin học, toán - tiếng Anh - giáo dục kinh tế và pháp luật, toán - lý - hóa. Các tổ hợp này áp dụng cho tất cả các ngành, đều có môn toán, trong đó có tới 4 tổ hợp cùng xét thêm môn tiếng Anh. Năm 2025, trường sử dụng 2 môn mới của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật.
Nhiều trường ĐH cũng lần đầu tiên đưa vào tổ hợp xét tuyển các môn học mới của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chẳng hạn, ĐH Duy Tân dự kiến điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển các ngành kinh tế, thay vì xét tổ hợp toán - lý - hóa như các năm trước, nay có thể là toán - lý - giáo dục kinh tế và pháp luật. Cùng khối ngành kinh tế, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bổ sung tổ hợp có môn mới như toán - văn - giáo dục kinh tế và pháp luật.\
Các trường ĐH cần công bố sớm nhất tổ hợp xét tuyển vào các ngành. Đây là năm đầu tiên HS chương trình Giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, chậm công bố thông tin này thì "tội" cho các em.
Ông NGUYỄN THANH HẢI (Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Tiền Giang)
TOÁN LÀ MÔN BẮT BUỘC TRONG NHIỀU TỔ HỢP
Trường ĐH Tài chính - Marketing (TP.HCM) cũng dự kiến sử dụng điểm 3 môn để xét tuyển, trong đó toán là môn bắt buộc. Ngoài ra, thí sinh có thể sử dụng 2 môn còn lại trong số các môn dự thi tốt nghiệp THPT để có cơ hội trúng tuyển cao nhất khi xét tuyển.
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM quy định mỗi ngành sử dụng 6 tổ hợp xét tuyển, hầu hết các ngành của trường đều sử dụng các tổ hợp có môn toán (trừ ngành ngôn ngữ Anh).
Với một số trường khác, môn bắt buộc trong tổ hợp xét tuyển từng ngành có thể là toán, văn hoặc tiếng Anh. Ví dụ, Trường ĐH Công thương TP.HCM dự kiến có 4 tổ hợp xét tuyển và mỗi tổ hợp gồm 3 môn. Trong đó, toán là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành: công nghệ thông tin, kế toán, tài chính ngân hàng và các ngành kỹ thuật. Ngữ văn là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành liên quan đến quản trị và xã hội như: quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, luật kinh tế. Tiếng Anh là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung Quốc.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng quy định mỗi ngành có không quá 4 tổ hợp xét tuyển, trong đó phần lớn đều sử dụng toán làm môn bắt buộc. Trong số các ngành còn lại, thí sinh có thể lựa chọn tổ hợp có môn toán hoặc văn kết hợp với các môn khác. Năm nay, trường bổ sung môn công nghệ công nghiệp vào tổ hợp xét tuyển, thay thế cho tổ hợp khoa học tự nhiên trước đây.
Đại diện các trường ĐH cho biết các tổ hợp xét tuyển dự kiến được sử dụng trong năm 2025 cơ bản giữ ổn định so với năm trước đó. Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp theo dự thảo quy chế nhưng cơ bản không gây xáo trộn với thí sinh. Ví dụ, cả 4 tổ hợp xét tuyển của hơn 30 ngành đào tạo khối công nghệ kỹ thuật năm nay đều có môn toán (tương tự năm ngoái). Điểm khác biệt chỉ nằm ở chỗ một trong số 3 tổ hợp có thay thế môn công nghệ công nghiệp thay vì bài thi khoa học tự nhiên để phù hợp với môn học chương trình mới.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó phòng Tuyển sinh, truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho hay: "Năm nay, trường quy định toán là môn bắt buộc trong các tổ hợp xét tuyển. Nhưng năm ngoái, toán cũng là môn có mặt trong tất cả các tổ hợp xét tuyển của trường. Do đó, về cơ bản việc sử dụng môn toán để xét tuyển không thay đổi so với năm ngoái. Điểm mới là năm nay trường cho phép thí sinh lựa chọn 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển để có kết quả xét tuyển cao nhất".
KIẾN NGHỊ TỪ NGƯỜI HỌC, TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Trước thông tin điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển của các trường ĐH, người học bày tỏ ý kiến nhiều chiều.
Một học sinh (HS) Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) nhìn nhận điều chỉnh này vừa thuận lợi vừa khó khăn với HS tham gia xét tuyển năm nay, và cho rằng: "Những HS mạnh ở một số môn cụ thể như toán hoặc văn sẽ có thêm cơ hội nếu các trường bắt buộc xét môn đó trong tổ hợp. Sự đa dạng tổ hợp cũng giúp HS có nhiều lựa chọn phù hợp hơn với năng lực của mình. Việc đưa thêm các môn đặc thù vào tổ hợp, ví dụ môn liên quan đến công nghệ, kinh tế, hay pháp luật có thể giúp chọn lọc thí sinh phù hợp hơn với ngành nghề".
Tuy nhiên, HS này cũng cho biết thay đổi nói trên đòi hỏi thí sinh phải học đồng đều nhiều môn hơn để đáp ứng các tổ hợp xét tuyển mới, nhất là những môn mà trước đây không được chú trọng. "Các trường ĐH cũng cần cân nhắc trong việc điều chỉnh tổ hợp môn, sự thay đổi tổ hợp liên tục có thể gây bối rối cho HS, đặc biệt với những người đã chuẩn bị theo các tổ hợp truyền thống", HS Trường THPT Lương Thế Vinh đề xuất.
T.T.V, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM), cho rằng năm 2025 các trường ĐH nên tạm thời ưu tiên giữ các tổ hợp xét tuyển truyền thống. Nếu có điều chỉnh, trường cần thông tin trước vài năm để HS có sự chuẩn bị. "Hiện nay HS chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp khi vào lớp 10. Đến lớp 12, nếu trường ĐH bất ngờ đổi tổ hợp môn xét tuyển sẽ ảnh hưởng tới lựa chọn của HS", T.T.V lý giải.
Cũng theo HS này, các môn mới được đưa vào xét tuyển chỉ nên sử dụng cho các ngành có đặc thù tương ứng với ngành học đó. Khi đó, HS đã có định hướng nghề nghiệp sớm và đã có ý định chọn môn học này sẽ có thêm cơ hội khi xét tuyển ĐH.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), bày tỏ đồng tình với việc trường xây dựng tổ hợp xét tuyển phải có môn toán hoặc cả toán và ngữ văn. Bởi lẽ, đây là 2 môn bắt buộc trong chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành cũng như trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT theo quy chế thi mới năm nay. Lẽ dĩ nhiên, trường phải tính toán để chọn 1 - 2 môn còn lại trong tổ hợp để phù hợp với định hướng ngành học.
"Riêng việc sử dụng điểm môn mới như công nghệ, giáo dục kinh tế pháp luật có thể do trường cố gắng đáp ứng quy chế thi năm nay có bổ sung 2 môn này. Tuy vậy, dự đoán số HS chọn môn này để thi tốt nghiệp THPT khá thấp. Nguyên nhân do lần đầu tiên đưa vào quy chế thi nên HS còn lạ lẫm và khối ngành xét tuyển từ điểm môn này khá ít ỏi", Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định phân tích thêm. Tuy nhiên, ông Hải nhấn mạnh: "Các trường ĐH cần công bố sớm nhất tổ hợp xét tuyển vào các ngành. Đây là năm đầu tiên HS chương trình Giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, chậm công bố thông tin này thì "tội" cho các em".
Theo Hà Ánh (TNO)