(GLO)- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh-thiếu niên là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn và các ban ngành, đoàn thể. Tuy nhiên hiện nay, hiệu quả của công tác này chưa cao và còn nhiều bất cập.
Nhìn vào số liệu thống kê từ cơ quan chức năng về tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh, chúng ta dễ nhận thấy số vụ do các đối tượng trong độ tuổi thanh-thiếu niên gây ra luôn ở mức cao. Cụ thể, theo thống kê của Công an tỉnh, chỉ trong vòng 3 năm (2015-2017), trong tổng số 1.007 vụ phạm pháp thì có đến 740 vụ do thanh-thiếu niên gây ra (chiếm 73,4%); trong tổng số 1.718 tội phạm thì có 1.349 tội phạm là thanh-thiếu niên (chiếm 78,5%), chủ yếu là các hành vi như: giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép chất ma túy... Cơ quan chuyên môn xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân do công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh-thiếu niên chưa thường xuyên, liên tục, nội dung thiếu phong phú, chưa phù hợp với lứa tuổi, sự vào cuộc của các ban, ngành liên quan còn chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ.
Sân chơi tuổi trẻ học đường với an toàn giao thông. Ảnh: Ksor H'Yuên |
Nhận thức tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong thanh-thiếu niên, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, thanh-thiếu niên, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, giúp tránh xa các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống kỷ cương, tuân thủ luật pháp. Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với ngành Tư pháp, Công an, các hội đoàn thể tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp tại các thôn, làng, tổ dân phố kết hợp cấp phát tài liệu tuyên truyền, sử dụng hình thức tuyên truyền song ngữ, đặc biệt lựa chọn các địa phương trọng điểm về an ninh chính trị, trật tự xã hội như: phường Hội Thương, phường Ia Kring (TP. Pleiku), xã Chư Mố, xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa), xã An Thành (huyện Đak Pơ), xã Hà Ra (huyện Mang Yang)… Từ năm 2010 đến nay, bằng nhiều hình thức, các tổ chức Đoàn, Hội đã tiếp cận, tuyên truyền PBGDPL cho hơn 1,5 triệu lượt đoàn viên, thanh-thiếu niên.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của các câu lạc “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Thắp sáng niềm tin”, “Đội tuyên truyền, xung kích thanh niên”… các cấp bộ Đoàn đã giúp đỡ, cảm hóa 265 thanh-thiếu niên chậm tiến, yếu thế; chủ động phối hợp với Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) tiếp tục giúp đỡ 1.320 thanh niên mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng bằng việc thăm hỏi, động viên tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội, tiếp cận vốn vay để lập nghiệp, giới thiệu việc làm. Các địa phương thực hiện tốt hoạt động này gồm: xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), phường Đoàn Kết, Cheo Reo (thị xã Ayun Pa), xã Ia Hrung (huyện Ia Grai)...
Tỉnh Đoàn cũng chỉ đạo Trung tâm Hoạt động Thanh niên tỉnh và Nhà Thiếu nhi tỉnh thường xuyên tổ chức các sân chơi lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL cho thanh-thiếu niên, nhân dân tại cơ sở. Đặc biệt là phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thi “An ninh học đường” cho học sinh khối THPT, hội thi “Tuyên truyền phòng-chống tệ nạn xã hội trong khối địa bàn dân cư”, đồng thời duy trì tổ chức chương trình “Học kỳ quân đội”, “Học làm người có ích” hàng năm, qua đó tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi, hạn chế sự tác động tiêu cực của các tệ nạn xã hội.
Mặc dù vậy, hiệu quả của công tác PBGDPL còn chưa cao, số vụ vi phạm pháp luật do thanh-thiếu niên gây ra còn nhiều và ngày càng phức tạp. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết phải thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền các địa phương, ban ngành, đoàn thể trong công tác phối hợp thực hiện PBGDPL, trong đó Đoàn Thanh niên giữ vai trò nòng cốt. Ngoài ra, công tác PBGDPL cho thanh-thiếu niên cũng rất cần sự quan tâm, chung tay góp sức từ phía gia đình cũng như chính sự nỗ lực rèn luyện, xây dựng nếp sống tuân thủ pháp luật của mỗi thanh-thiếu niên để thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.
Ksor H'Yuên