Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Tuyên truyền thành quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 7-7, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền thành quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia. 
Dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai có các đồng chí: Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến các chuyên đề: Quan hệ 2 nước Việt Nam-Campuchia thời gian gần đây; thành quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia, trong đó nêu rõ nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của 2 Văn kiện pháp lý vừa có hiệu lực và những nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị tuyên truyền thành quả công tác phân giới cắm mốc tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Anh Huy
Quang cảnh hội nghị tuyên truyền thành quả công tác phân giới cắm mốc tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Anh Huy
Ngày 22-12-2020, Việt Nam và Campuchia đã phối hợp tổ chức lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn 2 Văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền mà hai bên đã đạt được (khoảng 84%) là: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch địch biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia được ký ngày 5-10-2019. 
Từ đây, 2 văn kiện chính thức có hiệu lực, tạo thêm một dấu mốc quan trọng trong quá trình gần 40 năm giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa 2 nước thông qua biện pháp hòa bình, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. 
Với kết quả này, Việt Nam và Campuchia cơ bản có đường biên giới rõ ràng trên thực địa, được đánh dấu bởi hệ thống cột mốc khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới. Đồng thời, góp phần tạo dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển bền vững, vì lợi ích 2 quốc gia cũng như hạnh phúc, thịnh vượng và phồn vinh của Nhân dân 2 nước Việt Nam và Campuchia.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm