Hơi thở có thể trở thành phương pháp bảo mật sinh trắc học tiếp theo khi các thử nghiệm mới đây cho kết quả chính xác lên tới 97% nhờ có trí tuệ nhân tạo (AI).
Quét mống mắt, vân tay, nhận diện khuôn mặt... đều là những biện pháp bảo mật bằng sinh trắc học phổ biến hiện nay nhưng không có giải pháp nào thực sự an toàn hay hoạt động một cách hoàn hảo trong sử dụng thực tế. Mới đây, các nhà khoa học đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công nghệ sinh trắc học mới là sử dụng hơi thở của con người.
Khí thở mang đặc trưng riêng của mỗi người. Ảnh: Chụp màn hình |
Theo các nhà nghiên cứu tại 2 trường đại học Kyushu và Tokyo (Nhật Bản), người dùng chỉ cần thở để mở khóa điện thoại với độ chính xác lên tới 97% ngay trong bài kiểm tra đầu tiên. So với nhận dạng vân tay truyền thống, công nghệ mới được phát triển dựa trên đặc trưng của từng cá nhân nhưng lại không thể hiện rõ ràng (như vân tay).
"Vân tay, khuôn mặt là các đặc điểm vật lý đặc trưng của mỗi người nhưng hoàn toàn có thể bị sao chép hoặc thay đổi, ví dụ trong trường hợp chấn thương. Mùi hương của con người là một đặc điểm sinh trắc học mới và thiết bị chỉ cần xác định loại khí riêng của mỗi người", Chaiyanut Jirayupat - tác giả chính của nghiên cứu lý giải.
Phương pháp mới sử dụng một thiết bị có tên "mũi điện tử" được trang bị trí tuệ nhân tạo, cùng hệ thống cảm biến bằng khứu giác. Công nghệ này giúp phân tích mùi hương trong không khí và xác định các thành phần có trong mùi hương từ mỗi người.
So với vân tay hay khuôn mặt, hơi thở của mỗi người phức tạp hơn rất nhiều và được cấu thành từ nhiều hợp chất, có tính thay đổi chứ không "bất biến". Ví dụ, hơi thở thay đổi theo sau mỗi bữa ăn, tùy thuộc loại thức ăn sử dụng hôm đó. Do vậy, mỗi người đều có chất hóa học đặc trưng trong hơi thở và có thể sử dụng để xác định thêm một số vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Nghiên cứu trên chỉ ra có ít nhất 28 hợp chất ở hơi thở con người bằng cách sử dụng cảm biến khứu giác. Dù đạt độ chính xác rất cao, công nghệ dùng AI này vẫn chưa đủ để chứng minh có thể thay thế cho những giải pháp ứng dụng hiện nay. Thực tế, nhận diện khuôn mặt đang có độ chính xác gần như tuyệt đối (99,97%) trong khi vân tay là 98,6%.
Theo Anh Quân (TNO)