Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Ứng dụng công nghệ số trong giám sát diện tích rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm nâng cao hiệu quả công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã chú trọng ứng dụng công nghệ số phục vụ cập nhật, xây dựng bản đồ chi trả, kiểm tra, giám sát diện tích rừng cung ứng trên địa bàn tỉnh.
Chi trả kinh phí qua tài khoản ngân hàng
Ông Ksor Bik (làng Tơ Vơn, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) cho biết: Nhóm ông có 11 hộ, nhận khoán hơn 200 ha rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh. Từ cuối năm 2018, đơn vị chủ rừng đã tiến hành mở tài khoản ngân hàng nên việc chi trả tiền DVMTR cho người dân diễn ra rất thuận lợi, nhanh chóng. “Nếu như trước đây, người dân phải chờ đơn vị chủ rừng rút tiền từ tỉnh về, sau đó mới chi trả cho từng người dưới sự chứng kiến của xã thì nay nhóm chúng tôi chỉ cử 2-3 người đi rút tiền về chia lại cho hộ nhận khoán”-ông Bik cho hay.
Ông Lê Đức Nhàn-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh-khẳng định: Diện tích rừng, đất quy hoạch lâm nghiệp do đơn vị quản lý là 12.500 ha, nằm rải rác trên địa bàn các xã: Ia Khươl, Hà Tây và Đak Tơ Ve. Hàng năm, đơn vị được chi trả hơn 3 tỷ đồng từ tiền DVMTR phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Nhàn cho rằng: “Trước đây, việc chi trả bằng tiền mặt gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nên đi lại tốn nhiều thời gian. Nay đơn vị ủy quyền cho ngân hàng, việc chi trả tiền cho bà con qua tài khoản nhanh chóng, thuận lợi hơn”.
Sau khi tra cứu trên phần mềm ứng dụng những nơi có dấu hiệu nghi ngờ, cán bộ, nhân viên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng mới tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trượng. Ảnh: Minh Phương
Sau khi tra cứu trên phần mềm ứng dụng những nơi có dấu hiệu nghi ngờ, cán bộ, nhân viên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường. Ảnh: Minh Phương
Theo thông tin từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, đến nay, đã có 41/41 đơn vị có thực hiện khoán bảo vệ rừng đã thiết lập quan hệ với các ngân hàng thông qua hợp đồng để chi trả tiền DVMTR cho người dân và thực hiện mở 1.896 tài khoản (đạt 100%). Trong đó có 412 tài khoản chung cho nhóm hộ, cộng đồng và 1.484 tài khoản cá nhân. Việc chi trả này nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân nhận khoán bảo vệ rừng nhờ những tiện ích như: đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và giảm thiểu rủi ro trong chi trả.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Quản lý hơn 15.584 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 12.683 ha đất có rừng, thế nhưng công tác tuần tra, kiểm soát của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) trở nên nhẹ nhàng hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Theo Phó Giám đốc Hà Thành Hải Hậu, đơn vị thường ứng dụng các phần mềm như: “tọa độ vn”, “mapTiler”, “Locus map pro” để theo dõi, cập nhật diễn biến rừng định kỳ; đồng thời hướng dẫn sử dụng, phổ biến đến từng cán bộ, viên chức. Ngoài ra, đơn vị còn sử dụng phần mềm “Gia Lai FFW” về cảnh báo cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhằm góp phần hiệu quả trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, giảm thiểu những thiệt hại gây ra. “Các phần mềm đã hỗ trợ đơn vị chủ rừng theo dõi, rà soát, đối chiếu bản đồ về diện tích hiện trạng so với thực tế. Khi có các phần mềm này, chúng tôi đi rừng không cần máy định vị GPS hay bản đồ giấy; không phải tra vị trí lô, khoảnh, tiểu khu. Bởi tất cả đều đã được tích hợp vào điện thoại thông minh”-ông Hậu thông tin.
Khẳng định điều này, anh Nguyễn Thanh Tùng-chuyên viên Phòng Kế hoạch Kỹ thuật (Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh) cho hay: Triển khai thực hiện phương án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, Quỹ đã tổ chức tập huấn cho cán bộ UBND xã, thị trấn, cán bộ kiểm lâm địa bàn đưa bản đồ cung ứng DVMTR bằng giấy sang điện thoại thông minh phục vụ cho việc kiểm tra, xác định diện tích rừng một cách nhanh chóng, chính xác. “Nhờ số hóa bản đồ, ứng dụng hệ thống định vị GPS và phần mềm MapInfo, chúng tôi nhanh chóng xác định các diễn biến bất thường của rừng. Từ việc tra cứu trước các ứng dụng trên điện thoại thông minh về thông tin thực địa, chúng tôi có thể khoanh vùng, theo dõi và xác định chính xác diện tích rừng cung ứng; các lô, khoảnh, đơn vị chủ rừng, ranh giới lưu vực chi trả hay phát hiện những nơi nghi ngờ có dấu hiệu thay đổi bất thường về hiện trạng, biến động về rừng và đất lâm nghiệp… hỗ trợ đắc lực cho công tác kiểm tra, giám sát địa bàn”-anh Tùng khẳng định.
Anh Nguyễn Thanh Tùng-Phòng Kế hoạch Kỹ thuật (Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh) kiểm tra hiện trạng rừng trên phần mềm MapInfo trước khi giám sát thực tế. Ảnh: Minh Phương
Anh Nguyễn Thanh Tùng-Phòng Kế hoạch Kỹ thuật (Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh) kiểm tra hiện trạng rừng trên phần mềm MapInfo trước khi giám sát thực tế. Ảnh: Minh Phương
Còn theo ông Nguyễn Quốc Tuấn-Trưởng phòng Kiểm tra-Giám sát (Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh): Việc ứng dụng bản đồ số, ảnh vệ tinh để theo dõi diễn biến rừng, cập nhật thông tin về phá rừng, cháy rừng đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát diện tích rừng cung ứng DVMTR; hỗ trợ xây dựng bản đồ chi trả của đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc số hóa trong công tác quản lý cũng như công tác chuyên môn đã góp phần giúp đơn vị tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí, đảm bảo khoa học, hiệu quả, đồng bộ, chính xác cao. Đây cũng là cơ sở điều chỉnh lại diện tích rừng thực tế và dự toán thu chi tiền DVMTR theo quy định.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hồng Linh-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng-nhấn mạnh: Việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chi trả tiền DVMTR, kiểm tra-giám sát, quản lý diện tích rừng cung ứng; sử dụng các công cụ GPS, ảnh vệ tinh… đã góp phần giảm sai số, tiết kiệm nhân lực, vật lực trong thực thi chính sách. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức chuyển đổi số cho viên chức, người lao động cơ quan. “Thực tế cho thấy, nhờ đầu tư các trang-thiết bị hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mà công tác quản lý, giám sát, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, giảm được sức người; hỗ trợ kiểm đếm, xác định lưu vực, đơn giá nhanh chóng, tiện lợi, giúp công tác chi trả DVMTR ngày càng đạt kết quả cao hơn”-ông Linh nhấn mạnh.
MINH PHƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm