Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Ứng dụng Việt "so găng" cùng Grab

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc đua mới cung cấp siêu ứng dụng sẽ diễn ra với sự tham gia của ông lớn công nghệ Việt là Zalo với các đại gia Grab, Go-jek, hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn trong thời gian tới.
Manh nha cuộc chiến mới
Cách đây vài ngày, Zalo - nền tảng ứng dụng lớn nhất Việt Nam với hơn 100 triệu người dùng, đã bất ngờ tung ra bản nâng cấp thử nghiệm, trong đó tích hợp thêm dịch vụ gọi taxi (Zalo Taxi), gọi đồ ăn (Zalo Food), du lịch (Zalo Travel), tài chính (Zalo Bank) và các dịch vụ liên quan đến chính phủ điện tử (eGovernment). Đồng thời, đơn vị này cũng phát đi một thông báo tìm kiếm giám đốc sản phẩm O2O (Online to Offiline) nhằm quản lý mảng dịch vụ mới này.
Zalo hướng đến mô hình mô hình “siêu ứng dụng”
Động thái của Zalo thổi bùng lên cuộc chạy đua vốn đã nhen nhóm từ lâu giữa các ông lớn công nghệ tại Việt Nam.
Cũng vào đầu tháng 8/2018, Grab đã công bố việc Toyota và 7 quỹ đầu tư đã tham gia vào vòng gọi vốn mới của Grab với số tiền 2 tỷ USD, nâng giá trị của Grab lên 6 tỷ USD. Grab cho biết, họ sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư để mở rộng các dịch vụ O2O đang cung cấp tại Đông Nam Á, đồng thời để phát triển thành siêu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày được hàng triệu người dân trong khu vực lựa chọn.
Siêu ứng dụng Grab Platform sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, từ việc sử dụng ứng dụng Grab để thanh toán với GrabPay, giao nhận thức ăn với GrabFood, giao nhận hàng hóa với GrabExpress, đặt xe công nghệ Grab với hàng loạt dịch vụ kết nối di chuyển khác nhau.
Chiến lược trở thành siêu ứng dụng vừa được nhà đồng sáng lập, kiêm CEO Grab - Anthony Tan công bố tại Singapore vào tháng 7/2018. Nhưng trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Grab Việt Nam đã tiết lộ: “Chúng tôi sẽ tạo ra một sàn giao dịch đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Dự kiến, trong vòng 10 năm tới, khách hàng chỉ cần sử dụng Grab sẽ được đáp ứng mọi nhu cầu, từ đi lại, ăn uống đến mua sắm, tiêu dùng…”.
Một đối thủ trực tiếp của Grab là Go-jek cũng không giấu giếm chiến lược phát triển siêu ứng dụng, đầu tư tới 500 triệu USD để phát triển tới 18 tiện ích. Go-Viet, đại diện công ty ở Việt Nam hiện chỉ mới tung ra dịch vụ gọi xe máy, nhưng giới quan sát dự đoán Go-Viet sẽ sớm tung ra các dịch vụ tiếp theo như giặt là, vệ sinh, đưa đồ ăn... tương tự với ứng dụng của Go-jek đã công bố ở Indonesia.
Ông Nguyễn Vũ Đức, CEO và đồng sáng lập Go-Viet cho biết, cùng với đội ngũ của Go-Jek, Go-Viet mong muốn trở thành nền tảng đa dịch vụ lớn nhất, từng bước phát triển hệ sinh thái. Mở đầu bằng dịch vụ kết nối vận tải và giao hàng, trước khi triển khai dịch vụ giao đồ ăn, đi chợ hộ, thanh toán điện tử và các dịch vụ tiện ích khác.
Ai sẽ chiếm lợi thế?
Trước kia, rạp chiếu phim và nhà hàng ăn uống không cùng địa điểm. Nhưng nhu cầu xem phim gắn với ăn uống đã khiến rạp chiếu phim mở luôn cửa hàng ăn. Giữ chân được khách hàng trong rạp, tăng thêm lợi nhuận, rồi từ đó mở rộng thêm các trò chơi giải trí, nhà sách và trở thành một trung tâm giải trí đáp ứng mọi nhu cầu. Đó là câu chuyện trong cuốn sách “Chiến lược đại dương xanh” phát hành năm 2004.
Trong bối cảnh IoT, một chiến lược tương tự đang được áp dụng tại Việt Nam với mô hình mang tên “siêu ứng dụng”.
Lấy ví dụ với Zalo. Trước đây liên lạc sẽ dùng Zalo, Facebook; đi lại dùng Taxi, Grab; ăn uống dùng NOW; mua sắm dùng Shopee, Lazada; du lịch nghĩ đến Traveloka hay Trivago. Nhưng khi Zalo ra mắt cùng lúc 5 tính năng hoàn toàn mới, người dùng sẽ đặt đồ ăn, đi mua sắm ngay khi đang chat với bạn bè, sau đó gọi taxi, lên kế hoạch du lịch tại duy nhất một nơi - siêu ứng dụng Zalo.
Mặc dù không phát ra một thông báo chính thức, nhưng dễ thấy rằng, nền tảng này đang muốn đáp ứng tất cả nhu cầu trên vào một nơi duy nhất, một “rạp chiếu phim - phiên bản 4.0” của Việt Nam, giữ chặt khách hàng ở trong ứng dụng của mình.
Cũng cần phải nói rằng, Zalo không phải là đơn vị đầu tiên để lộ chiến lược trở thành siêu ứng dụng. Khi các nền tảng đạt được số lượng người dùng đủ lớn, tham vọng lấn sân là rất dễ xảy ra. Bùng nổ mô hình “siêu ứng dụng” là kịch bản rõ ràng nhất trong bối cảnh hiện tại.
Ở một thị trường khá manh mún các mảng như đặt món trực tuyến, du lịch trực tuyến, taxi công nghệ, hành chính công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán điện tử… thì việc xuất hiện các siêu ứng dụng sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Vấn đề là, trong cuộc đua mới này, ai sẽ là người “cán đích” trước. Zalo có số lượng hơn 100 triệu người dùng với hệ sinh thái tiện ích khá toàn diện khắp các mảng, đang có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là mảng “xương sống” bao trùm các hoạt động của siêu ứng dụng là thanh toán điện tử thì chỉ mới Zalo được cấp phép.
Trong khi đó, Grab và Go-Jek lại được hậu thuẫn tài chính khá mạnh, có sở trường trong vận chuyển. Vì vậy, cuộc đua mới giữa một nền tảng công nghệ có tiềm lực vào top 1 tại Việt Nam thời điểm hiện tại, có lượng người dùng lớn, am hiểu thị trường bản địa, nền tảng công nghệ vững chắc, với các “gã khổng lồ” giàu có được dự đoán sẽ rất hấp dẫn trong thời gian tới.
Hữu Tuấn (Đầutư online)

Có thể bạn quan tâm