Mặc dù hiếm gặp nhưng vi khuẩn uốn ván vẫn sẵn có trong môi trường sống, dễ dàng gây bệnh cho trẻ sơ sinh và bà mẹ.
Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin uốn ván. Ảnh: NGỌC THẮNG |
Vi khuẩn gây độc mạnh hệ thần kinh
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), uốn ván là bệnh cấp tính do độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani). Trong cơ thể, độc tố này làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương khiến người mắc uốn ván bị những cơn co cứng cơ, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ toàn thân, kèm theo đau, và có thể tử vong, đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Vi khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là trong ruột của gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò… Tại đây vi khuẩn cư trú một cách bình thường, không gây bệnh.
Đáng lưu ý, vi khuẩn uốn ván thường tạo nha bào là chiếc “áo” bảo vệ chúng. Thông thường, vi khuẩn uốn ván chết ở 56°C, nhưng nha bào chỉ chết sau khi đun sôi 30 phút. Nha bào này tồn tại rất bền vững, vẫn còn khả năng gây bệnh uốn ván sau 5 năm tồn tại trong đất. Trong môi trường bên ngoài, nha bào uốn ván tồn tại trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên.
Thông qua nha bào, vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Có thể gặp các trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Hoặc các tổ chức của cơ thể bị hoại tử hoặc các dị vật nhiễm bẩn xâm nhập, gây vết thương vào cơ thể cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho nha bào uốn ván phát triển.
Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong quá trình bà mẹ sinh đẻ nếu cắt rốn bằng dụng cụ bẩn; hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn.
Không được chủ quan
Trước thắc mắc của nhiều bà mẹ sống tại thành phố lớn về việc Việt Nam đã công bố loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2000, không còn thấy bệnh uốn ván, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho hay sau hàng chục năm liên tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin uốn ván cao (trên 90%) cho trẻ em và phụ nữ trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện tỷ lệ mắc uốn ván sơ sinh trên quy mô huyện luôn được duy trì dưới 1 trường hợp trên 1.000 trẻ đẻ sống.
“Tuy nhiên, uốn ván sơ sinh vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn tại Việt Nam, và hoàn toàn có nguy cơ quay trở lại nếu không tiếp tục duy trì được tỷ lệ tiêm chủng cao trên toàn quốc. Do đó, chúng ta vẫn phải tiêm cho cả trẻ em và phụ nữ có thai. Cũng do uốn ván sơ sinh hiện rất ít gặp, đặc biệt tại các thành phố lớn, nên các bà mẹ có thể chủ quan và “quên” mất căn bệnh nguy hiểm này dù thực tế chúng vẫn tồn tại”, PGS-TS Dương Thị Hồng lưu ý.
Tiêm chủng cho mẹ, phòng bệnh sớm cho con
Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin uống ván sẽ truyền kháng thể phòng bệnh cho con, để con không mắc uốn ván sơ sinh. Trẻ em sau sinh, dưới 1 tuổi (có chỉ định tiêm từ 2, 3 và 4 tháng tuổi) được tiêm vắc xin phối hợp “5 trong 1” phòng uốn ván và các bệnh nguy hiểm, dễ lây nhiễm: bạch hầu, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib.
Phụ nữ có thai cần có miễn dịch cơ bản bằng 2 liều vắc xin uốn ván cách nhau tối thiểu 1 tháng. Liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh 1 tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều uốn ván trước khi sinh 1 tháng. Việc tiêm vắc xin ở phụ nữ mang thai cần theo đúng tư vấn của bác sĩ. Phụ nữ tuổi sinh đẻ nên được tiêm 3 liều uốn ván, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.
(Nguồn: Bộ Y tế)
|
Theo Nam Sơn (TNO)