Theo Medical Xpress, công trình dẫn đầu bởi TS Andrew Charles, ĐH California (Los Angeles - Mỹ), đã được thực hiện bằng cách sử dụng hệ thống ghi video và vi mạch xâm lấn tối thiểu trên những con chuột, nhằm ghi lại thông số sinh lý và hành vi của chúng.
Một số sinh vật thí nghiệm được làm cho "ghiền caffein", tương tự người có thói quen uống cà phê hằng ngày.
Thói quen uống cà phê hoặc những món giàu caffeine khác có thể tác động rất tốt tới chất lượng giấc ngủ - Ảnh minh họa từ internet |
Kết quả vừa được công bố trên tạp chí PNAS Nexus cho thấy caffeine giúp tỉnh táo hơn vào ban ngày trong khi lại tác động mạnh mẽ đến từng giai đoạn của giấc ngủ ban đêm.
Theo đó, người ghiền cà phê có thể ngủ trễ hơn mỗi đêm, mức độ trễ thậm chí lên tới 2 giờ. Nhưng, điều thú vị là tổng thời lượng giấc ngủ không REM và REM không thay đổi.
Trong đó, giấc ngủ REM là giai đoạn "chuyển động nhanh của mắt", thường đi kèm với những giấc mơ và là giai đoạn cơ thể - đặc biệt là não bộ - được phục hồi sau một ngày.
Dùng cà phê khiến giấc ngủ được ngon hơn, sâu hơn và đặc biệt nếu thích, bạn có thể "ngủ nướng" một cách có chất lượng nếu muốn bù cho việc ngủ trễ.
Ngoài ra, caffeine còn giúp giảm lưu lượng máu não trong khi thức, tức lúc bạn phải đối phó với căng thẳng của cuộc sống; tăng lưu lượng máu não trong giấc ngủ REM và cả không REM.
Sự thay đổi về lưu lượng máu não lúc ngủ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng khả năng bảo vệ thần kinh, chống lại các bệnh liên quan thoái hóa thần kinh như Parkinson, có thể giúp loại bỏ hiệu quả hơn các chất thải trao đổi chất.
Đây là một phát hiện thú vị bởi cà phê thường bị nghi ngờ rằng làm người uống có giấc ngủ kém sâu. Tất nhiên, cần lưu ý không uống cà phê quá gần giờ đi ngủ vì caffeine kích thích mạnh mẽ sự tỉnh táo sau khi uống vài giờ.