Xã hội

Đời sống

Ưu tiên nguồn lực đầu tư vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những năm qua, tỉnh huy động nhiều nguồn lực khác nhau để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa nhằm giúp người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp.
Người dân được hưởng lợi về giao thông từ Dự án Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 (huyện Đak Đoa). Ảnh: H.D

Người dân được hưởng lợi về giao thông từ Dự án Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 (huyện Đak Đoa). Ảnh: H.D

Người dân hưởng lợi

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, việc các nhà đầu tư đồng hành cùng với tỉnh trong công tác an sinh xã hội cũng như hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông đã tạo động lực phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79 đã triển khai Dự án trang trại chăn nuôi heo thịt tại xã Ia Sol, huyện Phú Thiện. Anh Siu Duen (buôn Ia Peng, xã Ia Sol) chia sẻ: “Trước đây, từ rẫy mì ra tới trung tâm xã chỉ có con đường đất nhỏ hẹp, lại phải lội qua một con suối nên việc vận chuyển nông sản rất khó khăn. Từ khi trang trại chăn nuôi heo được triển khai, con đường đã được mở rộng, đổ cấp phối, còn xây 1 cây cầu qua suối nữa nên việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân thuận lợi hơn rất nhiều”.

Ông Hoàng Thanh Tùng-Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79-cho biết: “Dự án có quy mô 32.000 con heo thịt với hệ thống xử lý chất thải hiện đại, khép kín. Để vận chuyển vật liệu, trang-thiết bị xây dựng cũng như phục vụ khi trang trại đi vào hoạt động, chúng tôi tiến hành mở rộng con đường dài gần 3 km và làm cây cầu trị giá gần 1 tỷ đồng đi vào trang trại. Con đường đủ để 2 xe tải chuyên chở gia súc lưu thông 2 chiều và giúp bà con vận chuyển phân bón, nông sản dễ dàng”.

Cũng được hưởng lợi khi Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 do Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết-Đak Đoa 1 làm chủ đầu tư, anh Bat (làng Ngâm Thung, xã Ia Pết) nói: “Từ khi có dự án điện gió, chủ dự án đã làm đường rộng rãi, sạch sẽ. Nhờ vậy, việc đi lại rất thuận lợi, người dân chúng tôi phấn khởi lắm”.

Là 1 trong 50 tỉnh, thành phố được Bộ Giao thông-Vận tải chọn tham gia Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn vay, từ năm 2017 đến nay, Gia Lai đã được triển khai xây dựng 42 cây cầu và 45 cống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa với tổng vốn đầu tư hơn 191 tỷ đồng. Cầu K'Tập dài hơn 72 m với tổng mức đầu tư trên 3,4 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đem đến niềm vui cho người dân 2 xã Nam Yang và Hneng (huyện Đak Đoa). Anh Y Nhương (làng K'Tập, xã Hneng) phấn khởi: “Dạo trước, mỗi khi muốn ra thị trấn, người dân trong làng đều phải đi đường vòng qua thôn Tam Điệp chứ không dám qua ngầm. Từ khi có cây cầu, việc đi lại thuận lợi hơn nhiều, nhất là khi đau ốm, người bệnh có thể được đưa ra trung tâm huyện khám-chữa nhanh hơn”.

Được biết, đến thời điểm này, Gia Lai đã đạt tỷ lệ 90,09% đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện và 78,27% đường trục thôn, làng, đường liên thôn, làng được cứng hóa; 60,16% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa.

Nỗ lực đồng bộ hạ tầng giao thông

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ mang tính kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Chương trình được triển khai từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do bộ, ngành, trung ương đầu tư trên địa bàn là 5.927 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do địa phương quản lý tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, mang tính lan tỏa dự kiến là 5.978 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn sử dụng các nguồn ngoài ngân sách do doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả hợp tác xã và doanh nghiệp FDI đầu tư); nguồn vốn ODA xin trung ương (tổng vốn dự kiến hơn 6.240 tỷ đồng)…

Người dân được hưởng lợi khi Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79 mở rộng, nâng cấp tuyến đường dài 3 km để triển khai trang trại chăn nuôi heo thịt. Ảnh: Hà Duy

Người dân được hưởng lợi khi Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79 mở rộng, nâng cấp tuyến đường dài 3 km để triển khai trang trại chăn nuôi heo thịt. Ảnh: Hà Duy

Là huyện biên giới có 47% dân số là người DTTS, Đức Cơ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông. Theo Chủ tịch UBND huyện Vũ Mạnh Định, để nâng cao năng lực kết nối giao thông giao thương, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, trong giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối các vùng sâu, vùng xa, tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, hàng loạt dự án giao thông trên tuyến biên giới sẽ được triển khai với tổng kinh phí được phân bổ giai đoạn này là 184 tỷ đồng.

Mới đây nhất, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1334/KH-UBND với dự kiến dành gần 198 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trong đó, tỉnh sẽ dành 192,574 tỷ đồng để triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn thôn, làng; trường, lớp học đạt chuẩn; các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán để phục vụ nhu cầu của cộng đồng; đầu tư cứng hóa 22 km đường liên xã (từ trung tâm xã đến trung tâm xã); duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn, công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư từ giai đoạn trước.

Có thể bạn quan tâm