Theo nhận định của ông Huỳnh Quang Liêm-Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đến nay, Gia Lai đã sở hữu hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, thống nhất. Nhiều hệ thống giải pháp CNTT đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn như: hệ thống giám sát an toàn thông tin tập trung (SOC) cho các hệ thống CNTT phục vụ chính quyền điện tử tỉnh; hệ thống sao lưu dữ liệu cho các hệ thống dùng chung trên địa bàn tỉnh; hệ thống phòng họp không giấy tờ eCabinet; hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; hệ thống phần mềm quản lý công chức, viên chức… “Điều này cho thấy Gia Lai hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ứng dụng CNTT theo hướng Chính phủ điện tử tiến tới chuyển đổi số chính quyền, cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh”-ông Liêm nhấn mạnh.
Tại Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18-4-2023 của UBND tỉnh về kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, đối với phát triển chính quyền số, Gia Lai phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 90%, cấp xã đạt trên 70%. Đối với phát triển kinh tế số, phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%. Về phát triển xã hội số, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đạt 75% hộ gia đình, 100% cấp xã; tỷ lệ phủ sóng di động tới thôn, làng, tổ dân phố đạt 100%...
Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (hàng trước, bên phải) ký kết hợp tác chuyển đổi số với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Ảnh: H.D |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn bộ 1.786 thủ tục hành chính của tỉnh được tích hợp tại Cổng dịch vụ công của tỉnh https://dichvucong.gialai.gov.vn. Trong 10 tháng năm 2023, 44.875 hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận và giải quyết, đạt tỷ lệ 49,2%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,2% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống. Cơ sở hạ tầng, các thiết bị chuyển mạch, truyền dẫn, các mạng thông tin vô tuyến thuộc mạng lưới bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định.
Hiện nay, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đã dần phủ sóng trên địa bàn tỉnh; các cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số, thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Cùng với đó là đẩy mạnh các nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nông dân truy cập, khai thác phục vụ sản xuất. Hiện nhiều người dân cũng hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Trần Thị Thanh Thủy (số 28/16 Trần Quý Cáp, TP. Pleiku) cho biết: “Thời gian gần đây, khi đi mua sắm, tôi thường thanh toán qua QR Code hoặc chuyển khoản. Hình thức thanh toán này rất tiện lợi, nhanh chóng và an toàn”.
Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy |
Trong buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: “Gia Lai xác định lấy chuyển đổi số là cơ hội để bứt phá, vươn lên, là đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội”. Nhằm tiếp tục phát triển hạ tầng số, phổ cập internet băng rộng như một tiện ích thiết yếu, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, ngày 25-9-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2575/KH-UBND về phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là phấn đấu đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt tối thiểu 80%; tốc độ băng rộng di động đạt 45 Mbps (tốc độ tải xuống theo i-Speed hiện tại là 38,09 Mbps); tỷ lệ thôn, làng được phủ sóng di động băng rộng đạt 100%; tỷ lệ dùng chung vị trí trạm thu phát sóng (BTS) đạt tối thiểu 13%; tốc độ băng rộng cố định đạt 100 Mbps (tốc độ tải xuống theo i-Speed hiện tại là 92,65 Mbps); tối thiểu 50% hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây; nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh Gia Lai đạt tiêu chuẩn điện toán đám mây.
Đối với hạ tầng công nghệ số, từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), internet vạn vật (IoT) vào các lĩnh vực kinh tế và xã hội; xây dựng và thiết lập ban đầu hệ thống tiêu chuẩn AI, blockchain, IoT; từng bước hình thành hệ sinh thái hạ tầng công nghệ AI, blockchain, IoT... Có ít nhất 70% cơ quan, tổ chức nhà nước, 60% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số...
Để thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ như: phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; phát triển hạ tầng công nghệ số; phát triển nền tảng số có tính chất hạ tầng. Về giải pháp, tỉnh tiếp tục hoàn thiện các chính sách thúc đẩy, ưu tiên, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển internet.