Chính trị

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương và có tối đa 15 thành viên, gồm: Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, một hoặc một số Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các thành viên khác.

Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2023/NĐ-CP ngày 10-2-2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương. Ảnh nguồn VGP

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương. Ảnh nguồn VGP

Cũng theo Nghị định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó, về tố tụng cạnh tranh, phát hiện, xác minh và đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Tiếp nhận, xác minh, đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận, xem xét, thụ lý hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh.

Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;...

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; tiếp nhận, thụ lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, thẩm định, quyết định về việc tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật.

Tiếp nhận, thụ lý, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật.

Giám sát, phát hiện, xác minh và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định liên quan đến hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường của cơ quan nhà nước và các hành vi bị nghiêm cấm khác có liên quan đến cạnh tranh của tổ chức, cá nhân.

Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật.

Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh được thành lập phòng

Về cơ cấu tổ chức, bộ máy giúp việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Ban Thư ký các Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và Ban Giám sát cạnh tranh.

Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh được thành lập phòng. Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định số lượng phòng trực thuộc Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định, một số đơn vị trực thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Công thương.

Có thể bạn quan tâm