Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban,ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh, đổi mức công tác tuyên truyền phù hợp với thực tế để làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức “xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, thường xuyên, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc”; gắn phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với phương châm “phát huy nội lực là chính”.
Đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn tại khu đô thị phường An Tân (thị xã An Khê). Ảnh: H.D |
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, điều chỉnh, cân đối các nguồn vốn đầu tư; rà soát lại các chỉ tiêu, tiêu chí, để tập trung đầu tư cho phù hợp với thực tiễn; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xác định rõ “tam nông là chiến lược, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là khâu then chốt”, thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân và lao động khu vực nông thôn để đảm bảo an sinh xã hội. Kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp lớn trong công tác xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới, chủ động sáng tạo và có sức lan tỏa trong xây dựng nông thôn mới.
Sở Nông nghiệp và PTNT được giao nhiệm vụ phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển các hợp tác xã hoạt động hiệu quả; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất hàng hóa lớn ứng dụng công nghệ cao, bền vững, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực.
Ngành điện nỗ lực hoàn thiện lưới điện để 100% các địa phương thuộc tỉnh hoàn thành tiêu chí số 4 trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: H.D |
Đặc biệt, UBND yêu cầu các sở, ban, ngành được phân công phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới tăng cường đi cơ sở hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêu chí nông thôn mới; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả phụ trách tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của ngành.
Đối với các địa phương chưa đạt các tiêu chí nông thôn mới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu đề ra giải pháp cụ thể để tập trung đạt chuẩn các tiêu chí; đối với các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới, cần tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.