Xã hội

Gia đình

Gia Lai: Phát huy giá trị gia đình văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư ngày càng đi vào chiều sâu và lan tỏa sâu rộng.

Không chỉ khẳng định vai trò của gia đình trong giữ gìn và phát huy những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhiều hộ gia đình còn là nhân tố tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thành quả mà cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư mang lại là đã tạo nên giá trị văn hóa cho mỗi gia đình. Qua đó phát huy tinh thần tự giác của người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn bạo lực gia đình; đồng thời, hình thành nếp sống văn minh, xây dựng tình làng nghĩa xóm, chia sẻ khó khăn, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.

Ông Siu Hyuk (thứ 3 từ phải sang, làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) vận động, tuyên truyền người dân xây dựng gia đình hạnh phúc, nông thôn mới. Ảnh: Đinh Yến

Ông Siu Hyuk (thứ 3 từ phải sang, làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) vận động, tuyên truyền người dân xây dựng gia đình hạnh phúc, nông thôn mới. Ảnh: Đinh Yến

Phụ nữ là nhân tố quan trọng trong xây dựng gia đình văn hóa. Vì thế, các cấp, ngành luôn chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình. Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh-cho biết: Thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số xây dựng mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”; thành lập hơn 200 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới” và mô hình “Mỗi hộ có một vườn rau xanh và cây ăn quả” với hơn 40.000 hộ dân tộc thiểu số tham gia. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn hướng dẫn trên 15.000 hộ dân tộc thiểu số xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; thành lập 285 câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với 5.015 thành viên.

“Qua các mô hình, câu lạc bộ, các thành viên đã cùng nhau tuyên truyền một cách khéo léo, hiệu quả những quy định của pháp luật để mỗi hội viên phụ nữ có thêm kiến thức về phòng-chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, hiếu thảo, phát triển kinh tế gia đình. Các thành viên phát huy được vai trò, vị trí, cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa”-bà Rơ Chăm H’Hồng nhấn mạnh.

Theo bà Phạm Thị Thoa-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh): Toàn xã có 12 câu lạc bộ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng-chống bạo lực gia đình. Mỗi câu lạc bộ thu hút từ 10 đến 50 thành viên. Trên địa bàn xã chưa để xảy ra các vụ bạo lực gia đình. Tính đến nay, xã có trên 98% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Hộ ông Siu Hyuk (làng Bui, xã Nghĩa Hưng) là tấm gương điển hình trong xây dựng gia đình văn hóa ở địa phương. Nhiều năm qua, vợ chồng ông luôn chăm chỉ làm ăn, dành dụm mua được hơn 7 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu xen với cây ăn quả. “6 người con của tôi đã xây dựng gia đình và ra ở riêng. Vợ chồng tôi chia cho các con mỗi người 1 ha đất để phát triển kinh tế. Các con chịu khó làm ăn, yêu thương và nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc”-ông Hyuk bộc bạch.

Là Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Bui, ông Hyuk luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Cụ thể, ông tham gia với chính quyền địa phương vận động xây dựng nông thôn mới như mở rộng đường làng, ngõ xóm, lắp đặt đèn đường...

Bà Yứt (thứ 2 từ phải sang)-Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuet Ngol (xã Chư Á, TP. Pleiku) cùng các thành viên trong tổ say sưa dệt. Ảnh: H.T

Bà Yứt (thứ 2 từ phải sang)-Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuet Ngol (xã Chư Á, TP. Pleiku) cùng các thành viên trong tổ say sưa dệt. Ảnh: H.T

Còn ở làng Chuet Ngol (xã Chư Á, TP. Pleiku), gia đình bà Yứt nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu của xã. Hiện nay, các con của bà Yứt đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Không những thế, bà Yứt còn tuyên truyền, vận động chị em gìn giữ nghề dệt thổ cẩm và tham gia vào tổ hợp tác. Hiện nay, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của làng có 6 thành viên, bà Yứt làm Tổ trưởng. Tổ hợp tác được nhiều người biết đến và cũng là cơ sở góp phần để xã Chư Á đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017.

Bà Nguyễn Thu Hương-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Á-nhận xét: “Bà Yứt có đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Bà đã tạo nên nét riêng giúp cho nhiều thành viên trong làng sống được với nghề truyền thống của dân tộc”.

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 308.080/376.178 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-nhấn mạnh: Phát huy giá trị gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Gia đình văn hóa không chỉ là nền tảng của sự phát triển văn hóa, đạo đức và kinh tế mà còn là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng xã hội nông thôn bền vững và phồn thịnh.

Có thể bạn quan tâm