(GLO)- Tại Công văn số 1442/UBND-NC, UBND tỉnh Gia Lai đã trả lời cử tri về việc khảo sát, thiết kế chuyển nguồn nước công trình thủy lợi Ayun Hạ; đầu tư tuyến đường đến làng Tung Gút (xã Krong, huyện Kbang). Báo Gia Lai điện tử xin trích đăng nội dung trả lời về vấn đề nêu trên.
Kiến nghị:
Các xã Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân hiện đang sử dụng nguồn nước tưới từ dòng suối Đak Pi Hiao. Tuy nhiên, lưu lượng nước của con suối này vào mùa khô hầu như không có, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong khi chờ đợi đầu tư các công trình hồ chứa, đập chứa đã được phê duyệt trong quy hoạch thủy lợi. Đề nghị tỉnh quan tâm khảo sát, thiết kế chuyển nguồn nước từ công trình thủy lợi Ayun Hạ về địa bàn 3 xã để phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là vào mùa khô.
Kênh chính công trình thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: Đức Thụy |
Kết quả giải quyết:
Các xã Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân thuộc huyện Ia Pa không nằm trong quy hoạch vùng tưới công trình thủy lợi Ayun Hạ. Để cấp nước cho các xã trên phải qua trung tâm huyện đồng thời địa hình 3 xã trên nằm ở cao độ tương đối lớn từ 200 m đến 300 m, cao hơn cao trình tưới tự chảy của hệ thống kênh thủy lợi Ayun Hạ. Do vậy, không thể xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước tự chảy từ công trình thủy lợi Ayun Hạ để phục vụ tưới cho 3 xã nêu trên. Việc đầu tư xây dựng, chi phí quản lý vận hành công trình chuyển nguồn nước (xây dựng các trạm bơm nhiều bậc) từ công trình thủy lợi Ayun Hạ về địa bàn 3 xã cần nguồn kinh phí lớn, không khả thi.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô tại địa bàn 3 xã trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa công trình thủy lợi hồ Đak PTó và Đak Pi Hiao vào danh mục đầu tư của dự án “Tăng cường khả năng kiểm soát lũ và tích trữ nước trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và sông Ba nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu” vay vốn ADB và đề xuất đầu tư xây dựng hồ Đak Pơ Tó 2 vào dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên-tỉnh Gia Lai” sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) các dự án này đang trong quá trình xin chủ trương để triển khai thực hiện.
* Cử tri huyện Kbang
Kiến nghị:
Xã Krong là căn cứ cách mạng của tỉnh, gồm có 10 làng (có 1.390 hộ, 5.631 nhân khẩu) có 7/10 làng đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc); tại khu vực thôn 5 cũ, gồm 3 làng Klư, Pngăl, Klếch với khoảng 327 hộ, 1.349 khẩu (trong đó có 101 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo), dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Bahnar. Hiện nay, để di chuyển từ khu vực này về trung tâm xã rất khó khăn, bà con phải đi theo đường vòng với quãng đường khoảng 36 km. Trên thực tế, có thể mở tuyến đường tắt để rút ngắn quãng đường từ khu vực thôn 5 cũ về trung tâm xã Krong còn khoảng 15 km. Trong đó, đầu tư xây dựng mới đoạn đường với chiều dài 7,5 km (từ làng Klư về làng Tung Gút, hiện trạng đã có đường mòn). Nền đường thiết kế rộng 5 m; mặt đường 3 m bằng BTXM đá 2x4 M250 dày 20 cm. Cống thoát nước bằng BTCT vĩnh cửu, tải trọng thiết kế H30-XB80. Riêng tại vị trí qua sông La Bà được thiết kế cầu bản BTCT rộng 6 m liên hợp đường tràn. Dự kiến với kinh phí khoảng 24,5 tỷ đồng (hai mươi bốn tỷ, năm trăm triệu đồng). Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư tuyến đường từ khu vực thôn 5 (cũ) đến làng Tung Gút, xã Krong để tạo điều kiện cho người dân tại khu vực này đi lại, giao thương, kết nối với khu vực trung tâm xã được thuận lợi hơn.
Kết quả giải quyết:
Hiện nay, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh đã phân bổ xong. Đề nghị UBND huyện sử dụng nguồn vốn tỉnh phân cấp cho huyện, vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện.
* Tuy nhiên do thời gian ngắn, quá trình kiểm tra và nghiên cứu xử lý mới chỉ là bước đầu; đối với kiến nghị này, UBND tỉnh ghi nhận và có chỉ đạo rà soát và xử lý phù hợp trong thời gian tới.
(Còn nữa)
GLO