(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 2006/UBND-NC về việc trả lời và chỉ đạo giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XII.
Kiến nghị: Tuyến tỉnh lộ 665 hiện đang triển khai thi công, có chiều dài tuyến khoảng 65,64 km, do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư. Hiện nay, một số nơi mương thoát nước cao hơn so với lề đường, khi trời mưa nước đọng lại không thoát nước được gây cản trở giao thông; tại một số đoạn đường, nhà dân thấp không có mương thoát nước khi gặp mưa to dẫn đến tình trạng dồn nước ngập đến cửa nhà dân (xã Ia Ga, Ia Piơr). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị thi công tuyến đường khắc phục; xem xét làm thêm một số đoạn mương thoát nước tránh tình trạng ngập ủng trước nhà dân; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến đường này.
Trả lời: Ngày 12-10-2021, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án và UBND huyện Chư Prông đã kiểm tra hiện trường đường tỉnh 665 để xử lý các kiến nghị của cử tri huyện Chư Prông; sau đó, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo đơn vị khảo sát thiết kể chủ trì phối hợp với đơn vị giám sát và các đơn vị thi công đi kiểm tra hiện trường, khảo sát, lên phương án thiết kế và dự toán cho các hạng mục công việc cần thiết kế bổ sung để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng công trình.
Do Dự án đã được phê duyệt thiết kế và dự toán nên để xử lý và giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Chư Prông về xây dựng một số đoạn mương thoát nước tại một số đoạn đường, nhà dân thấp không có mương thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng trước nhà dân khi trời mưa phải sử dụng vốn dư của Dự án (vốn dư do tiết kiệm sau đấu thầu và vốn dự phòng chưa phân bổ).
Theo quy định của nhà tài trợ ADB và khoản 3 điều 47 của Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài “Trường hợp thực sự cần thiết sử dụng vốn dư để phát huy hiệu quả và không dẫn đến thay đổi mục tiêu chính tại quyết định chủ trương đầu tư của chương trình, dự án đang thực hiện: Cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và nhà tài trợ nước ngoài xác định hiệu quả, sự cần thiết để quyết định việc sử dụng vốn dư và thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh chương trình, dự án đang thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 22 của Nghị định này hoặc trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương thực hiện và quyết định phê duyệt văn kiện dự án đang thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định này”, thì phải lấy ý kiến của nhà tài trợ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án lập hồ sơ trình nhà tài trợ ADB và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.
Công nhân thuộc đơn vị thi công gói thầu số 1 Dự án cải tạo tỉnh lộ 665 đang vá sửa một số điểm hư hỏng trên tuyến. Ảnh: Lê Hòa |
Kiến nghị: Hiện nay, trên địa bàn huyện tổng số học sinh tại các cấp học là 27.912 học sinh với 890 lớp học, tuy nhiên số lượng giáo viên đứng lớp hiện là 1.184 giáo viên, chưa đảm bảo nên ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Đề nghị UBND tỉnh xem xét khi giao chỉ tiêu biên chế giáo viên cho huyện, bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.
Trả lời: Tính đến thời điểm hiện nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai có 714 trường mầm non, phổ thông công lập, có 11.688 lớp với 391.161 học sinh. Tổng số viên chức từ bậc mầm non đến phổ thông trong biên chế là 19.040 người. Trong đó: cán bộ quản lý 1.770, giáo viên 16.040, nhân viên 1.230. Định mức giáo viên/lớp: ở bậc mầm non chỉ đạt 1,17 (quy định là 2,0); tiểu học chỉ đạt 1,19 (quy định là 1,5); THCS chỉ đạt 1,68 (quy định là 1,9); THPT chỉ đạt 1,93 (quy định là 2,25). Tổng số giáo viên thiếu trong năm học 2021-2022 là 3.7213 giáo viên (chưa tính số 1.272 nhân viên còn thiếu, trong đó có 318 trường không có nhân viên kế toán).
Trước thực trạng nêu trên và xác định nhu cầu giáo viên cho năm học 2021-2022, UBND tỉnh đã có báo cáo và kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh Gia Lai theo định mức quy định tại các Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, để đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh (tại 2 văn bản: Công văn số 918/UBND-NC ngày 10-7-2021 và Tờ trình số 919/TT-UBND ngày 10-7-2021 của UBND tỉnh).
Đồng thời, trước tình trạng thiếu giáo viên của ngành Giáo dục, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có Báo cáo số 06/BC-ĐĐBQH ngày 8-10-2021 tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh gửi kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV xem xét, giải quyết.
* Riêng đối với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông có số lượng người làm việc được giao là 1.488. Tới thời điểm 30-11-2021, số viên chức có mặt là 1.408 (trong đó cán bộ quản lý 135, giáo viên 1.184 người, nhân viên 89). Như vậy, chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng là 80. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND huyện Chư Prông căn cứ chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng để tổ chức tuyển dụng giáo viên cho hết chỉ tiêu biên chế được giao hoặc hợp đồng giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng để phục vụ công tác giảng dạy theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại Công văn số 5075/BNV-TCBC ngày 26-9-2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ. Sau khi Trung ương giao bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh, trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ, UBND tỉnh triển khai giao bổ biên chế giáo viên cho các huyện nói chung và huyện Chư Prông nói riêng.
GLO