Bạn đọc

Ủy ban Nhân dân tỉnh phản hồi nội dung bài báo “Cảnh sát Giao thông TP. Pleiku: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tốc độ các phương tiện tham gia giao thông”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Ngày 4-9-2013 báo Gia Lai điện tử có đăng bài “Cảnh sát Giao thông TP. Pleiku: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tốc độ các phương tiện tham gia giao thông”. Sau khi khi bài báo ra,  Báo Gia Lai có nhận được công văn phản hồi của UBND tỉnh về sự việc bài báo nêu. GLO trích đăng toàn bộ Công văn số 3065/UBND-NC của Ủy ban Nhân dân tỉnh GIa Lai như sau:

Ngày 4-9-2013, báo Gia Lai điện tử có đăng bài “Cảnh sát Giao thông TP. Pleiku: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tốc độ các phương tiện tham gia giao thông” của tác giả Nguyễn Giác; trong đó đã trích dẫn: “Theo Công văn số 2753/UBND-NC, ngày 28-8-2012 được Chủ tịch UBND tỉnh ký với nội dung: Tăng cường tuần tra trong đô thị, trên các tuyến đường được phân công, chấm dứt tình trạng lập chốt tùy tiện để dừng phương tiện khi không có dấu hiệu vi phạm trật tự giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ thành phố, thị xã, thị trấn, các tuyến đường đôi có dải phân cách, phân làn giao thông một chiều”.

Sau khi trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Tiến-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku, tác giả bái báo kết luận: “Như vậy, việc chấp hành chỉ đạo mới của lãnh đạo ngành, UBND thành phố Pleiku là đúng, hay việc bỏ qua chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh được xem là hợp lý, là gây khó cho lực lượng kiểm tra. Làm thế nào để kiểm soát tốt phương tiện lưu thông trên các tuyến nội thành, thay vì tăng cường kiểm tra rồi xử phạt như hiện nay? Câu trả lời này thuộc cơ quan quản lý”.

Qua xem xét nội dung bài báo nêu trên của phóng viên Nguyễn Giác, UBND tỉnh có ý kiến như sau:

Các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn thành phố Pleiku nói riêng là kết quả tham gia thảo luận thống nhất các ý kiến đề xuất của lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể là thành viên Ban an toàn giao thông tỉnh,  của lãnh đạo các địa phương phù hợp với đặc điểm tình hình giao thông của từng địa bàn; theo quy định của Bộ Công an và chỉ đạo của UBND tỉnh. Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch số 257/KH-CAT-PC67 ngày 13-3-2012 về bố trí lực lượng và phân công nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; theo đó, “Riêng các tuyến quốc lộ 14, 19 đi qua các địa phương: Để tránh tình trạng bỏ trống địa bàn và việc lạm dụng kiểm tra, kiểm soát tràn lan gây ách tắc giao thông, tạo bất bình trong dư luận, Trưởng Công an cấp huyện tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ công tác: Chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông mà lỗi vi phạm ban đầu bằng mắt thường hoặc thông qua các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phát hiện được như: Chạy quá tốc độ quy định, dừng xe, đỗ xe không đúng quy định; xe ô tô đón trả khách không đúng nơi quy định và các hành vi vi phạm khi điều khiển xe mô tô, gắn máy... Lịch công tác của Công an các địa phương trên đoạn quốc lộ đi qua địa bàn gửi PC 67 (Phòng Cảnh sát Giao thông) để thống nhất phối hợp trược khi thực hiện, tránh tình trạng trùng dẫm, cùng thời điểm tập trung quá nhiều lực lượng gây phản cảm”.

Ngày 14-9-2012, Công an tỉnh tiếp tục có Công văn số 1238/CAT-PV11 về chấn chỉnh tình trạng lực lượng Cảnh sát Giao thông TP. Pleiku thường xuyên lập chốt trên các tuyến đường cửa ngõ thành phố Pleiku (đồng thời cũng là quốc lộ), chỉ rõ tồn tại “Cảnh sát Giao thông không tập trung lực lượng làm nhiệm vụ trong khu vực nội thị, nhất là vào đầu và cuối buổi sáng, buổi chiều tại các tuyến đường đi qua các chợ, trung tâm thương mại, trường học khi mật độ lưu thông và vi phạm trật tự giao thông tăng cao” và chỉ đạo “Công an TP. Pleiku nghiêm túc kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, điều kiện của những bất cập trong công tác bảo đảm trật tự giao thông, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay, không để tiếp tục tái diễn”.

Các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và của Giám đốc Công an tỉnh thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30-10-2012 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát Giao thông Đường bộ, quy định: “Công an cấp huyện: Bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng trong phạm vi địa giới hành chính; đường tỉnh, đường đô thị theo quyết định phân công, phân cấp của Giám đốc Công an cấp tỉnh”.

UBND TP. Pleiku có Công văn số 550/UBND-TH ngày 2-5-2013 về tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiềm chế TNGT, đã chỉ đạo: “Công an TP. Pleiku cần huy động tối đa lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông; đảm bảo giao thông thông suốt... Tiếp tục triển khai các lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự và bố trí lực lượng tuần tra hợp lý để tăng cường tuần tra các tuyến đường, địa bàn trọng điểm về giao thông” là nhất quán với quy định của Bộ Công an, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh và sự phân công, phân cấp của Giám đốc Công an tỉnh; không có nội dung chỉ đạo nào “là gây khó cho lực lượng kiểm tra” như tác giả đã trích dẫn và kết luận.

Gần đây nhất, ngày 27-7-2013, Bộ Công an có Công điện số 383/ĐK:HT yêu cầu: “Phải thực hiện phương thức tuần tra cơ động là chính. Nghiêm cấm lập các chốt kiểm tra cố định hoặc thường xuyên đến một địa điểm tổ chức dừng xe để kiểm tra (trừ địa điểm là điểm đen giao thông)”.

Qua phân tích cho thấy tác giả bài báo đã không nghiên cứu, xác minh nên đưa thông tin không chính xác trong việc trích dẫn các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và TP. Pleiku, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lãnh đạo, chính quyền trong việc chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Việc đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku “trao đổi với phóng viên” như nội dung bài báo viện dẫn đã gián tiếp phản ánh: Là Đội trưởng nhưng không nắm vững quy định của Bộ Công an, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh và TP. Pleiku và sự chỉ đạo, phân công, phân cấp của lãnh đạo Công an tỉnh; phát ngôn sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lãnh đạo ngành và chính quyền các cấp.

Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Tổng biên tập Báo Gia Lai chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trong việc duyệt đăng bài báo có thông tin xuyên tạc, sai quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, sự phân công, phân cấp của Công an tỉnh; đồng thời có thông tin đính chính, phản hồi lại các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 28 của Luật Báo chí năm 1999 để cán bộ, nhân dân biết, đồng tình ủng hộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các cấp chính quyền cũng như của các lực lượng chức năng.

Công an tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý trách nhiệm tham mưu, công tác lãnh đạo chỉ huy và kỷ luật phát ngôn của Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông TP. Pleiku.

Kết quả xử lý, báo cáo bằng văn bản gửi UBND tỉnh trước ngày 20-9-2013.

Có thể bạn quan tâm