Bạn đọc

Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời kiến nghị cử tri về việc tăng thời gian bồi dưỡng cho giáo viên, thay đổi sách giáo khoa tại các cấp học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời kiến nghị cử tri về việc tăng thời gian bồi dưỡng cho giáo viên, thay đổi sách giáo khoa tại các cấp học.

Kiến nghị:

Hiện nay thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên được bồi dưỡng 1-2 tuần trong dịp hè để dạy các môn tích hợp theo “chương trình mới” là không đảm bảo. Đề nghị tăng thời gian bồi dưỡng để giáo viên có đủ kiến thức đảm bảo cho việc giảng dạy (cử tri huyện Krông Pa).

Trả lời:

Thực tế Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 2-3 tháng chứ không như nội dung kiến nghị của cử tri. Việc tổ chức bồi dưỡng các môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới được tổ chức bồi dưỡng từ 2 đến 3 tháng là đúng quy định tại các Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT; Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21-7-2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, giáo viên đã được cấp chứng chỉ theo quy định. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng cho giáo viên trong thời gian ngắn có thể chưa đáp ứng ngay để giảng dạy môn tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như cử tri đã phản ánh. Vấn đề này cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy và có Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10-10-2023 yêu cầu: “Phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công; việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 2 nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên”.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức rà soát, đề xuất bổ sung, cập nhật nội dung tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý nhằm đáp ứng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới.

Kiến nghị:

Việc thay đổi sách giáo khoa tại các cấp học hiện nay đổi mới liên tục, sách năm cũ không sử dụng lại được. Lượng sách cũ bỏ đi rất lớn, gây lãng phí. Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét (cử tri TP. Pleiku).

Trả lời:

Theo Điều 32 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 đã quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật; UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa “1. Lựa chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông”. Không có quy định đổi mới liên tục, sách năm cũ không sử dụng lại được. Từ năm học 2020-2021 đến nay theo lộ trình đổi mới sách giáo khoa thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa cấp tiểu học các lớp 1, 2, 3, 4; cấp THCS lớp 6, 7, 8; cấp THPT lớp 10, 11. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công bố danh mục sách giáo khoa đã được UBND tỉnh phê duyệt và hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đến các phòng giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông thuộc và trực thuộc sở, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

Tính đến năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục phổ thông hiện đang sử dụng ổn định các bộ sách giáo khoa đã được UBND tỉnh phê duyệt. Việc lựa chọn sách giáo khoa các cấp học để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần, ngày 10-6-2022 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương: “Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền”. Như vậy, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bám sát các quy định hiện hành để triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến sách giáo khoa.

Trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Pleiku nói riêng, trong 3 năm học vừa qua (năm học 2021-2022, năm học 2022-2023, năm học 2023-2024) không có việc thay đổi danh mục sách giáo khoa được UBND tỉnh phê duyệt nên sách cũ vẫn dùng lại, không lãng phí như ý kiến của cử tri.

Có thể bạn quan tâm