Bạn đọc

Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời về việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cử tri kiến nghị liên quan đến việc UBND tỉnh, các sở ngành yêu cầu thu hồi lại kinh phí đã hỗ trợ trồng rừng trên diện tích bị chết không đảm bảo mật độ theo Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30-10-2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Báo Gia Lai điện tử xin trích đăng nội dung trả lời về vấn đề nêu trên.
Kiến nghị:
Vừa qua UBND tỉnh, các sở ngành yêu cầu thu hồi lại kinh phí đã hỗ trợ trồng rừng trên diện tích bị chết không đảm bảo mật độ theo Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30-10-2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (diện tích cây trồng đạt từ 85% mật độ thiết kế trở lên: Nghiệm thu và chi trả 100% diện tích; diện tích cây trồng đạt từ 50% đến 85% mật độ thiết kế: Nghiệm thu thanh toán theo tỷ lệ cây sống; diện tích cây trồng đạt dưới 50% mật độ thiết kế: Không nghiệm thu). Đây là một vấn đề rất khó khăn đối với bà con tham gia trồng rừng trên địa bàn huyện (đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống rất khó khăn). Do đó, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở ngành khẩn trương nghiên cứu cây trồng rừng phù hợp để hướng dẫn cho huyện triển khai công tác trồng rừng năm 2021. Đồng thời, không thu hồi kinh phí trồng rừng đối với các hộ được vận động tham gia trồng rừng từ năm 2017-2020.
Kết quả giải quyết:
Đối với diện tích trồng rừng bị chết không đảm bảo mật độ đã qua 4 năm trồng rừng (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc), đề nghị tiến hành nghiệm thu theo đúng quy định và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT. Trường hợp không đủ tiêu chí được công nhận đủ điều kiện thành rừng theo quy định về nghiệm thu hoàn thành công trình lâm sinh theo quy định Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30-10-2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 2085/SNNPTNT-CCKL ngày 7-8-2020 về việc hướng dẫn lập hồ sơ nghiệm thu đánh giá rừng trồng thành rừng), đề nghị đơn vị yêu cầu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải tự bỏ kinh phí ra để trồng lại rừng (đề nghị chọn các loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương để tiếp tục trồng dặm nhằm đảm bảo hiệu quả) hoặc phải hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước bằng số tiền đã nhận hỗ trợ cộng với lãi suất thương mại tại thời điểm thu hồi theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 8 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 và nội dung hợp đồng trồng rừng đã ký kết.
Trường hợp mất rừng do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, sâu bệnh không phải hoàn trả số tiền đã nhận hỗ trợ. Để được nhận hỗ trợ, các địa phương phải thực hiện việc thống kê, đánh giá và báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23-11-2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra và các văn bản có liên quan. Theo đó, tại điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT quy định “UBND các cấp lập báo cáo tổng hợp đợt thiên tai gửi UBND cấp trên. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thiên tai”; tại khoản 1 Điều 16 Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT quy định “Chủ tịch UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương công bố số liệu thiệt hại thuộc địa phương mình quản lý theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, điều kiện được hỗ trợ quy định tại Điều 4 Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh... phải được Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận hoặc chính quyền địa phương phải công bố dịch. Do vậy, để không phải hoàn trả số tiền đã nhận hỗ trợ do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, sâu bệnh thì các địa phương phải thực hiện đầy đủ các thủ tục và kịp thời theo thời gian quy định nêu trên.
Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang dự kiến tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT kéo dài thời gian tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại đối với rừng trồng do thiên tai, hỏa hoạn, sâu bệnh lên 120 ngày.
Về nghiên cứu loài cây trồng rừng sản xuất phù hợp:
- Theo Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17-11-2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành danh mục các loài cây chủ lực cho trồng rừng sản xuất theo các vùng sinh thái, theo đó cây trồng chủ lực đối với 5 tỉnh Tây Nguyên được trồng 14 loài như sau: bạch đàn, bời lời đỏ, dầu rái, gáo, dổi xanh, keo lá tràm, keo lai, mắc ca, sao đen, sưa, tếch, thông ba lá, thông Caribe, xoan ta.
- Theo Thông tư số 22/2021/TT-BNNPTNT ngày 29-12-2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp gồm các loài cây như sau: Bạch đàn Camal, bạch đàn lai, bạch đàn Urô, keo tai tượng, keo lá tràm, keo lai, keo lưỡi liềm, mỡ, bồ đề, sa mộc, sao đen, dầu rái, thông mã vĩ, thông ba lá, thông nhựa, thông Caribe, lát hoa, lim xanh, dổi xanh, vối thuốc, bời lời đỏ, trôm, quế, hồi, mắc ca, sơn tra, trám trắng, trám đen, tràm lá dài, tràm cừ, đước đôi, bần chua.
- Ngoài ra, thực hiện Công văn số 219/TCLN-PTR ngày 4-3-2021 của Tổng cục Lâm nghiệp về việc tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp và thực hiện kế hoạch trồng rừng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 717/SNNPTNT-CCKL ngày 18-3-2021 về việc tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp và thực hiện kế hoạch trồng rừng, theo đó đề nghị các địa phương, đơn vị lựa chọn loài cây, giống cây trồng phù hợp với từng khu vực sinh thái và loại rừng, cụ thể: Trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trồng điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt ở khu vực rừng khộp (hương, trắc, căm xe...); tập trung trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.
GLO

Có thể bạn quan tâm