Sức khỏe

Tin tức

Vaccine của Thái Lan sẵn sàng cho thử nghiệm trên người

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vaccine ChulaCov19, do Tiến sỹ Kiat Ruxrungtham thuộc Đại học Chulalongkorn phát triển, sẽ được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên trong tháng này.

Vaccine ChulaCov19 của Thái Lan. (Nguồn: sanook.com)
Vaccine ChulaCov19 của Thái Lan. (Nguồn: sanook.com)


Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, vaccine ngừa COVID-19 do Thái Lan tự phát triển, có tên là ChulaCov19, đã sẵn sàng để thử nghiệm trên người trong tháng này sau khi chứng tỏ hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Truyền thông Thái Lan ngày 1/6 đưa tin phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Traisulee Traisoranakul đã đăng tải trên Facebook rằng vaccine ChulaCov19, do Tiến sỹ Kiat Ruxrungtham thuộc Đại học Chulalongkorn phát triển, sẽ được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên trong tháng này.

Việc thử nghiệm lâm sàng cũng nhằm tìm ra liều lượng thích hợp cho việc chủng ngừa. Khi quá trình thử nghiệm hoàn tất thành công, lô vaccine đầu tiên sẽ được sản xuất tại Mỹ trước khi công ty BioNet-Asia của Thái Lan bắt đầu sản xuất hàng loạt vào tháng 9 tới.

Về tình hình dịch bệnh ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 1/6 ghi nhận thêm 2.230 ca nhiễm, cùng 38 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca bệnh từ trước tới nay lên 162.022, trong đó có 1.069 người không qua khỏi.

Thủ đô Bangkok vẫn đứng đầu danh sách những địa phương có ca nhiễm mới, với 864 ca, tiếp theo là các tỉnh Samut Prakan (253 ca), Phetchaburi (166 ca), Trang (164 ca) và Nonthaburi (112 ca).

Trong khi đó, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã đình chỉ kế hoạch của Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) cho phép mở cửa trở lại 5 loại hình kinh doanh từ 1/6.

Người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), ông Natthapol Nakpanich, cho biết kế hoạch của BMA đã bị hoãn lại trong 2 tuần vì Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trên cương vị Chủ tịch CCSA vẫn lo ngại về tình hình COVID-19.

Theo lệnh mới nhất của CCSA, các địa điểm trên cùng một số nơi khác ở Bangkok vẫn sẽ đóng cửa cho tới ngày 14/6.

Cùng ngày, giới chức Philippines cho biết việc giao lô vaccine đầu tiên trong tổng số 17 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, được sản xuất tại Thái Lan, đã bị hoãn lại vài tuần.

Theo ông Joey Concepcion, một trong những cố vấn của Tổng thống Philippines, AstraZeneca đã thông báo việc giao lô vaccine đầu tiên với 1,3 triệu liều, sẽ phải lui đến giữa tháng 7, muộn hơn 3 tuần so với kế hoạch ban đầu và lượng vaccine cũng sẽ giảm chỉ còn 1,17 triệu liều.

Việc bàn giao lô vaccine thứ 2 - cũng dự kiến giảm từ 1,3 triệu liều xuống còn 1,17 triệu liều, sẽ bị lui từ tháng 7 sang tháng 8. Ông cho biết vẫn giữ liên lạc hằng ngày với AstraZeneca và theo công ty trên, đã có sự chậm trễ trong khâu sản xuất của Thái Lan.

Sự chậm trễ này đặt ra câu hỏi về kế hoạch phân phối vaccine của AstraZeneca ở Đông Nam Á, vốn phụ thuộc vào 200 triệu liều do công ty Siam Bioscience của Thái Lan sản xuất. Đây là lần đầu tiên công ty này sản xuất vaccine. Hiện AstraZeneca và Siam Bioscience chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.

Cùng ngày, Dubai - tiểu vương quốc lớn thứ 2 của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ trong độ tuổi từ 12-15.

Hiện UAE là một trong những nước có tỷ lệ miễn dịch cao nhất trên thế giới, với hơn 66% dân số đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech, Sinopharm, AstraZeneca và Sputnik V.

Theo Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm