Pháp luật

Vạch trần luận điệu xuyên tạc của bọn phản động FULRO lưu vong

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Một số Việt kiều định cư tại Mỹ về thăm thân ở Gia Lai đã lên án mạnh mẽ luận điệu xuyên tạc của bọn phản động FULRO lưu vong. Đồng thời, họ khuyên bà con yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế trên quê hương mình, không nên vượt biên để đi nước thứ 3 với giấc mơ hão huyền “không làm mà vẫn có ăn”.

“Mắt thấy, tai nghe mới đánh giá được”

Đó là điều ông R'Ô Bleo (82 tuổi, Việt kiều Mỹ về thăm thân ở thị xã Ayun Pa) nhấn mạnh khi phản bác các luận điệu xuyên tạc của FULRO lưu vong về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai.

Chứng kiến sự đổi thay trên quê hương, ông Bleo luôn bày tỏ sự thán phục những nỗ lực và thành quả to lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc chăm lo phát triển dân sinh, dân trí cho đồng bào DTTS. Đồng thời, ông lên án mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và bọn phản động FULRO lưu vong.

Ông R'Ô Bleo (ở giữa) phản bác các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của FULRO. Ảnh: T.T

Ông R'Ô Bleo (ở giữa) phản bác các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của FULRO. Ảnh: T.T

“Tôi đã đi nhiều nơi và tường tận nhiều việc. Qua đèo Chư Sê, đèo Tô Na, cầu Bến Mộng trên sông Ba… tất cả đều đẹp đẽ và yên bình. Không nên tin những gì FULRO lưu vong ở Mỹ nói về cuộc sống của bà con ở Tây Nguyên, nào nghèo khổ, nào bị lấn chiếm đất đai… Đó hoàn toàn là vu khống, bịa đặt. Bà con mình ở đây ai chịu khó học cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi thì ngày càng giàu, sắm sửa nhiều xe cộ, xây nhà to đẹp. Còn ai thường xuyên uống rượu bê tha, lười lao động, thậm chí bán đất để tiêu xài, ăn nhậu thì cuối cùng mất cả đất chứ có ai chiếm đất của mình đâu. Trở về Mỹ, có dịp, tôi sẽ nói lại cho mọi người bên đó hiểu được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con quê mình để không bị kẻ xấu lừa phỉnh”-ông Bleo cho biết.

Tuổi cao, đi lại khó khăn nhưng ông Bleo vẫn minh mẫn và trò chuyện với chúng tôi cởi mở, thân thiện. Ông quê ở xã Ia Trok (huyện Ia Pa), từng làm việc cho chế độ cũ, giữ chức Trưởng ty Phát triển sắc tộc tỉnh Pleiku, Bình Định, Phú Bổn. Năm 1995, ông xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO, định cư ở TP. Greensboro, tiểu bang Bắc Carolina.

Bày tỏ quan điểm về việc các tổ chức FULRO lưu vong ở Mỹ như MFI, MHRO, MRO... đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị” ở Tây Nguyên, ông Bleo cho hay: “Tôi thấy buồn cười với tham vọng đó của Ksor Kơk, của Rah Lan Nglol (Ama Chăm)... Muốn có nhà nước thì cần có sự đồng lòng của mọi sắc tộc, phải hội đủ các yếu tố lãnh thổ, dân tộc, văn hóa... Dân tộc nào thì cũng như nhau, đều là dân một nước. Không có nhà nước nào là dành riêng cho người DTTS cả”.

Cảnh giác với chiêu trò “đánh bóng” tên tuổi qua mạng xã hội

Cũng như ông R'Ô Bleo, nhiều Việt kiều về Gia Lai thăm thân đã không ngần ngại bày tỏ chính kiến về những việc làm của các đối tượng phản động lưu vong. Ông Rmah Djuan (66 tuổi, thăm thân ở thị trấn Phú Thiện) là một trong những người như thế. Ông thẳng thắn vạch trần chiêu trò lừa bịp của FULRO lưu vong, nhất là đối tượng Rah Lan Nglol-kẻ tự xưng là “Chủ tịch” Hội người Thượng tị nạn (MRO) hay “Tổng thống” của cái gọi là “Cộng hòa Đê ga”.

Ông Djuan mỉa mai: “Dạo này, Ama Chăm sính lên mạng lòe thiên hạ. Ví dụ như thế này, vì từng là kẻ kêu gào, kích động người DTTS ở Tây Nguyên biểu tình, gây rối nên thỉnh thoảng họp về nhân quyền, hắn được bên Mỹ mời đến dự rồi hỏi vài câu chiếu lệ thôi. Nhưng nhân cơ hội đó, hắn chụp hình đăng lên mạng xã hội rồi tuyên truyền, vu khống, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Việt Nam để thực hiện âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tôi ở bên đó nên biết Ama Chăm và tay chân của hắn thực chất không có tổ chức bài bản, đến cái văn phòng làm việc cũng không có, chỉ chuyên làm mấy trò lừa bịp. Còn nhà thờ cái gọi là “Blung Hlơu” mà hắn rêu rao sẽ là tôn giáo chính khi “Nhà nước Đê ga” thành công là một nhà thờ Tin lành do người Mỹ làm chủ, hắn chỉ phụ trách một nhóm nhỏ Việt kiều sinh hoạt đạo ở đó mà thôi. Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng vì Ama Chăm lợi dụng tôn giáo đi theo con đường sai trái...”.

Ông Djuan từng sinh sống ở thị trấn Phú Thiện, có thời gian tin theo FULRO làm điều sai trái. Năm 2007, ông đưa vợ và 6 người con sang Mỹ, sinh sống ở TP. Charlotte, tiểu bang Bắc Carolina. Trải qua cuộc sống khó khăn ở Mỹ mà không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào như FULRO lưu vong từng hứa hẹn, ông Djuan dần nhận ra bản chất và âm mưu đen tối của tổ chức này. Ông thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết, video tố cáo, vạch trần bản chất phản động, lừa bịp của tổ chức FULRO lưu vong để kiều bào cũng như bà con ở quê nhà không mắc mưu bọn chúng.

Không đâu bằng quê mình

Những ngày được trở về quê thăm thân, vợ chồng ông Rmah Djuan tranh thủ đi thăm bà con lối xóm. Ông không ngại kể về cuộc sống khó khăn nơi đất khách quê người, nhất là lúc mới sang phải lao động cật lực để lo cho đàn con nhỏ. Qua Mỹ được 3 năm thì sức lực suy yếu, ông Djuan đành nghỉ việc, thu nhập chính dựa vào đồng lương của người vợ làm cho công ty thực phẩm đóng hộp. Nói về cuộc sống cá nhân, ông Djuan không giấu được chút mặc cảm: “Làm gì có chuyện ở Mỹ không làm mà vẫn có ăn. Như tôi sức yếu, không đi làm thì vợ con phải làm nhiều hơn để nuôi tôi. Tôi nhiều bệnh lắm, ví dụ như đau răng mấy năm rồi nhưng không muốn phiền thêm vợ con nên cố chịu đựng. Bên Mỹ họ nói rằng tôi làm hết 5.000 USD (hơn 120 triệu đồng), tôi không có tiền làm, về Việt Nam mới làm được đó”.

Nghe ông Djuan kể về thực tế cuộc sống ở Mỹ, một số người dân đã thôi ảo tưởng về giấc mộng đi xa để đổi đời. Ông Rơ Mah Tol (tổ 1, thị trấn Phú Thiện) cho biết: “Ông Djuan đã sang Mỹ, thấy hết được tình hình xấu tốt, về đây nói lại cho bà con, khuyên bà con không đi vào đường xấu. Lời nói của ông ấy rất thuyết phục và đáng tin. Ông Djuan cũng khuyên bà con sống tốt đời, đẹp đạo, không nghe kẻ xấu xúi giục, phá hoại cuộc sống yên bình”.

Thượng tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh) cho biết: “Việt kiều người DTTS định cư ở Mỹ có quá trình sinh sống ở Việt Nam và nước ngoài nên họ hiểu chính sách, pháp luật của nước sở tại và Việt Nam. Đa số họ thấy được đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đem lại đời sống ấm no cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Họ luôn phối hợp tuyên truyền để bà con nhận thức được ở đâu cũng phải lao động, phải chấp hành tốt quy định pháp luật của chính quyền nước sở tại; kịch liệt lên án luận điệu tuyên truyền của bọn xấu lừa phỉnh bà con trốn ra nước ngoài. Họ khẳng định: Ai nghe theo luận điệu “đi ra nước ngoài để hưởng cuộc sống có tiền mà không phải lao động” chính là tự làm khó bản thân, quay lưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với nơi mình sinh ra”.

Ông Rmah Djuan (ở giữa) và vợ tranh thủ đi thăm bà con lối xóm trong chuyến về thăm thân ở thị trấn Phú Thiện. Ảnh: T.T

Ông Rmah Djuan (ở giữa) và vợ tranh thủ đi thăm bà con lối xóm trong chuyến về thăm thân ở thị trấn Phú Thiện. Ảnh: T.T

Trở lại trường hợp của ông RÔ Bleo, gần 2 năm ở Mỹ, ông mới tìm được việc làm ở một công ty sản xuất giấy, năm 2013 thì nghỉ hưu. 10 năm trở lại đây, vợ ông bị ung thư xương hàm, tiền bạc tích góp được đều đem đi chữa bệnh nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng ông hiện vẫn ở nhà thuê với mức giá đắt đỏ (khoảng 1.000 USD/tháng, bao gồm phí điện, nước).

Ông Bleo có 4 người con, nhưng không ai đi cùng ông qua Mỹ. Họ ở lại quê hương chăm lo học tập, có nghề nghiệp ổn định rồi xây dựng gia đình. Giờ thì ông có thêm 11 đứa cháu, 15 chắt. Vì vậy, dù sức yếu, lại chẳng dư giả gì nhưng ở tuổi xế chiều, ông bà luôn mong ngóng đoàn tụ cùng con cháu.

“Tôi chỉ muốn về hẳn Việt Nam, được chết trên quê hương mình, có con cái bên cạnh. Hơn nữa, bên đó chi phí mai táng đắt lắm, mỗi người hết khoảng 30.000 USD (khoảng 728 triệu đồng), tôi sợ không lo nổi”-ông Bleo nói.

Cười gượng rồi ông tiếp lời: “Trong khi Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo cuộc sống của đồng bào DTTS thì số người lại nghe lời tuyên truyền, lôi kéo của kẻ xấu trốn qua Thái Lan để đi Mỹ, Canada. Khi mắc kẹt ở đó, những kẻ rủ rê kia đâu có bảo lãnh hay lo gì được cho họ? Chỉ có Đảng và Nhà nước là tha thứ, khoan hồng cho về thôi. Vì vậy, trước khi làm gì phải suy nghĩ thật kỹ. Ở lại xây dựng quê hương vẫn là lựa chọn tốt nhất cho mọi người”.

Có thể bạn quan tâm