Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Vạch trần toan tính của Trung Quốc tại biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyên gia cảnh báo Trung Quốc đang tối đa hóa việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 và sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực để gây áp lực lên các nước láng giềng.



Cùng với các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. đã bày tỏ lo ngại về những hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại biển Đông trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) lan rộng.

Tại hội nghị trực tuyến đặc biệt các bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Mỹ hôm 23-4, các quan chức tham dự khẳng định tầm quan trọng của việc đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và luật pháp trong khu vực giữa lúc các nước đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19 lan rộng. Theo ông Locsin, đây là điều cần thiết vào thời điểm các quốc gia không chỉ xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 mà còn phải chuẩn bị cho một kế hoạch hậu đại dịch về phục hồi kinh tế và xã hội. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước trên thế giới đang chật vật trong cuộc chiến chống Covid-19 để đẩy mạnh những hành động khiêu khích tại biển Đông khi ông đề cập đến vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi đầu tháng này.


 

Tàu HMAS Parramatta của Hải quân Úc cùng 3 tàu chiến Mỹ USS America, USS Barry và USS Bunker Hill tập trận hôm 18-4 gần nơi tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động Ảnh: Reuters
Tàu HMAS Parramatta của Hải quân Úc cùng 3 tàu chiến Mỹ USS America, USS Barry và USS Bunker Hill tập trận hôm 18-4 gần nơi tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động Ảnh: Reuters



Hôm 22-4, theo đài CNN, Philippines đã gửi công hàm phản đối việc tàu Trung Quốc chĩa hệ thống điều khiển hỏa lực về phía tàu hải quân Philippines trong vùng biển nước này. Malaysia hôm 23-4 cũng nêu quan điểm về vấn đề biển Đông liên quan đến thông tin "đối đầu" với tàu Trung Quốc gần đây. Phía Malaysia cho rằng vì sự phức tạp và tính nhạy cảm của vấn đề, tất cả các bên phải nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên biển Đông nhằm xây dựng và thúc đẩy niềm tin lẫn nhau. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein khẳng định nước này đã có các cuộc trao đổi cởi mở với tất cả các bên bao gồm Trung Quốc và Mỹ. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện thông tin tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành.

Ông Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore, nhận định những hành động gần đây của Trung Quốc là sự tiếp nối của những nỗ lực nhằm đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông. Theo chuyên gia Collin, sự khác biệt duy nhất lúc này là đại dịch tạo cơ hội cho Trung Quốc hành động ngang ngược với hy vọng không bị các nước trong khu vực phản đối hoặc phản ứng yếu ớt. Theo chuyên gia Peter Jennings, cựu quan chức quốc phòng Úc hiện là giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc, đây rõ ràng là một chiến lược có tính toán của Trung Quốc nhằm tối đa hóa việc lợi dụng tình hình dịch bệnh và sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực để gây áp lực lên các nước láng giềng.

Trong khi đó, GS Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ), nhận định với tờ The New York Times (Mỹ) rằng Trung Quốc muốn tạo ra "một điều bình thường mới trên biển Đông" và để làm điều này thì họ đã ngày càng có nhiều hành động gây hấn hơn.

Theo Xuân Mai (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm