Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Vài nét về nghệ thuật tạc tượng gỗ Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hiện nay, nền nghệ thuật điêu khắc độc đáo của Tây Nguyên đã vượt ra khỏi ranh giới của tâm linh và đang dần tiếp cận với nhu cầu sáng tạo phục vụ đời sống thường nhật của con người. 
Trong cuốn “Một số tư liệu mỹ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số” của tôi xuất bản năm 2007, chương viết về điêu khắc tượng mồ có đoạn: Bắt đầu từ gỗ, những khối gỗ tròn của núi rừng hùng vĩ được đẽo gọt bằng rìu để thành những khối hình: khối tròn là đầu, khối tam giác là mũi, khối vuông là ngực, khối chữ nhật là chân, tay. Tất cả những khối hình sơ khai của nghệ thuật điêu khắc. Những đơn giản mộc mạc ấy đã là sự rung động ban đầu của tình cảm người nghệ sĩ dân gian và bắt đầu tuôn chảy như những nốt nhạc trầm buồn luyến tiếc. Ai trong chúng ta đã một lần chứng kiến cái nguồn mạch rung động từ bàn tay thô ráp của người nghệ sĩ ấy: Con người sẽ dần hiện lên một cách huyền nhiệm, gỗ đã thành những con người đau khổ vì người thân vĩnh viễn ra đi như tượng ngồi ôm mặt khóc… Các cột klao bằng ngôn ngữ điêu khắc như một thông điệp gửi lên trời chứng giám cho người sống lòng thành gửi người thân nằm lại dưới nấm mồ với thần linh.
Có phải vì thế mà khi nói về tượng tròn của Tây Nguyên, người ta đều sử dụng cụm từ “tượng nhà mồ” là thế chăng? Có người đã áp đặt rằng, tượng tròn, nhất là tượng mô tả sinh hoạt của con người qua điêu khắc được sử dụng trang trí thuần túy trong nhà ở, nhà rông là hơi quá chăng? Tôi có dịp đi nhiều nơi, nhiều dân tộc cư ngụ ở vùng Gia Lai-Kon Tum trong thời kỳ bao cấp. Và chúng tôi khẳng định, tượng tròn do người Tây Nguyên sáng tạo ra dùng để gửi gắm tình cảm của người sống đối với người chết chỉ ở khu nhà mồ chứ không hề làm vật trang trí trong nhà ở và nhà rông. Theo quy định, trước lúc bỏ mả, các nghệ nhân điêu khắc chỉ được thể hiện tình cảm của mình qua điêu khắc ở khu nhà mồ, tuyệt đối không được làm tượng ở các khu khác, nhất là khuôn viên nhà ở và nhà rông vì phạm húy. Tuy vậy, nền nghệ thuật điêu khắc dân gian có thể hiện ở nhà rông, nhà ở nhưng chỉ thể hiện những vật linh thiêng như các phù điêu hoa văn trang trí trên các gian chính, các trụ ở 2 đầu hồi có đẽo gọt các hình linh vật hoặc hình bầu sữa phụ nữ ở các dân tộc Ê Đê, Jrai… Đó là quan niệm nguồn sống được sinh sôi trong cộng đồng.
Tượng gỗ Tây Nguyên tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Tượng gỗ Tây Nguyên tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Ngày nay, nền sản xuất nông nghiệp hiện đại đang phát triển ở vùng nông thôn miền núi, qua sự giao thoa của các nền văn hóa khác, sự hiện diện của các tôn giáo ở các buôn làng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Và nhất là được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công tác định canh định cư, xây dựng đời sống văn hóa, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã yên tâm với những người khuất núi, các khu nhà mồ được quy hoạch cố định, việc làm lễ pơ thi (bỏ mả) tuy vẫn còn nhưng phần lớn thủ tục đơn giản hơn, tượng gỗ cũng thưa thớt dần ở khu nhà mồ.
Đứng trước nguy cơ nền điêu khắc tượng gỗ có thể mai một, gần đây, một số nhà nghiên cứu tìm cách khơi gợi tiềm năng sáng tạo của các nghệ nhân điêu khắc qua các cuộc vận động sáng tạo tượng gỗ. Người khởi xướng đầu tiên phải kể đến là nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdăm. Bà đã tranh thủ được nguồn tài trợ của Quỹ Sida Thụy Điển thông qua Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam vào năm 2007 làm nên Festival tượng gỗ dân gian tại Đak Lak thu hút hàng trăm nghệ nhân của các tỉnh Tây Nguyên về tham gia. Sở Văn hóa-Thông tin và Du lịch tỉnh Kon Tum cũng đã có những sáng kiến hết sức thuyết phục. Năm 2013, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum, tại khu rừng Măng Đen bên cạnh thác Pa Sỹ, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phối hợp với UBND huyện Kon Plông tổ chức cuộc thi tạc tượng gỗ thu hút 33 nghệ nhân và đã có 120 tượng tròn ra đời dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Tôi thực sự ngỡ ngàng khi chiêm ngắm tượng dân gian không phải trong khu nhà mồ mà ở một khu du lịch sinh thái. Những năm gần đây, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum thường xuyên tổ chức các đợt tạc tượng Tây Nguyên. Tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum cũng đã diễn ra triển lãm trưng bày tượng gỗ Tây Nguyên với sự tham gia của 45 nghệ nhân thuộc các dân tộc thiểu số như: Bahnar, Jrai, Xtiêng, Xơ Đăng, Brâu, Mơ Nâm, đặc biệt có sự hiện diện của nghệ nhân người Kinh và một số dân tộc phía Bắc.
Có thể nói, nền nghệ thuật điêu khắc độc đáo của Tây Nguyên đã vượt ra khỏi ranh giới của tâm linh và đang dần tiếp cận với nhu cầu sáng tạo phục vụ đời sống thường nhật của con người. Cụm từ “tượng nhà mồ” chắc chắn sẽ vào lãng quên để chỉ còn lại nền điêu khắc tượng gỗ Tây Nguyên hiện diện khắp mọi nơi trong cộng đồng.
PHÙNG SƠN

Có thể bạn quan tâm