Bạn đọc

Vài suy nghĩ về chữ NGƯỜI của Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Bác Hồ: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn... Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ”. Đó là tư tưởng xuyên suốt của Bác, tư tưởng nhân đạo, sâu nặng tình người. Làm gì, đề ra chính sách, chủ trương nào, giai đoạn cách mạng nào, với Bác, trước hết cũng phải lấy việc phục vụ cho con người làm trên hết.
 

Bác Hồ với thiếu nhi. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ với thiếu nhi. Ảnh: Tư liệu

Bác dạy, đối xử nhân đạo với con người là thu phục được nhân tâm của con người. Cho nên, Bác luôn luôn yêu thương con người, lòng thương yêu của Bác đối với nhân dân, với nhân loại không bao giờ thay đổi. Đối với những sự việc, hiện tượng cụ thể có liên quan đến con người, Bác luôn quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo xử lý. Bác từng nói, đối kẻ thù, đối người phạm tội “dù sao cũng là người Việt Nam”. Bác viết: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng ngón vắn, ngón dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này hay thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ”. Yêu thương, đại độ với những người đã từng có lúc lầm lỡ, thậm chí chống đối chế độ, chống lại nhân dân, một khi họ đã hối cải, ăn năn. Điều đó không có nghĩa là hữu khuynh, từ bỏ đấu tranh với cái ác, mà “phải nghiêm khắc với kẻ ngoan cố”. Đối với người phạm tội, phải ngăn chặn, “tẩy trừ mặt xấu, mặt tội phạm trong con người họ, chứ không phải là loại bỏ họ”-Bác nói. Bằng quan hệ “người” để chuyên chính tội phạm, đó là tình người sâu sắc trong tư tưởng nhân đạo cách mạng của Bác Hồ. Bác dạy, đại ý là: Ta phải giúp đỡ họ (kẻ thù, người phạm tội) đã ăn năn, hối cải bằng cách làm cho phần thiện trong con người họ nảy nở để đẩy lùi phần ác “...chứ không phải đập cho tơi bời”.

Bác đặc biệt chú ý đến quyền của con người. Bác nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”(1). Cho nên, đã là con người, chúng tôi nghĩ rằng khi loại bỏ cái ác, cái “con” ở trong con người thì họ được bình đẳng, được bảo vệ trong một xã hội mà lấy dân chủ, công bằng, văn minh như mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Hơn thế, là con người thì không phân biệt sang, hèn, tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, vị trí xã hội... Còn nhớ, cách nay khoảng 30 năm về trước, có một vụ án mạng, sau khi giết người, kẻ thủ ác đã đem xác của chị ấy để ra sân vận động Pleiku. Cuộc điều tra vụ án gần như đã đi vào ngõ cụt khi mà cơ quan chức năng xác định người bị hại là người làm... gái. Thế nhưng một lãnh đạo của Công an tỉnh Gia Lai-Kon Tum lúc bấy giờ khẳng định sẽ phải tiếp tục điều tra cho ra kẻ giết người, bởi vì, theo ông ấy, dù là làm việc gì đi nữa, họ cũng là con người. Và vụ án được kết thúc, kẻ giết người phải hầu tòa, người dân khi ấy đồng tình, ủng hộ việc làm của cơ quan chức năng. Tôi cho rằng, học và làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác là làm như vậy!

Trở lại vấn đề, tư tưởng của Bác Hồ về lòng khoan dung độ lượng không phải chỉ trên ý thức và lời nói, mà đã được thể hiện trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và vô vàn những việc làm cụ thể của Người. Lòng khoan dung độ lượng đó đã sưởi ấm tình người, làm cho cái thiện trong con người trỗi dậy, khiến cho cuộc sống của mỗi người cũng như của xã hội được tốt đẹp hơn. Lòng nhân đạo, trái tim nóng, yêu thiết tha con người của Người, được nhà thơ Tố Hữu ngợi ca: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông mọi kiếp người”. Thiết nghĩ, trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác ngày nay, mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng của Người, từ chữ “người” với lòng khoan dung độ lượng với cái ác mà biết ăn năn, hối cải, thấy khuyết điểm sai lầm mà đặt ra kế hoạch để sửa chữa, để hướng tới cái thiện. Lương tâm, trách nhiệm của mỗi người là phải ngăn chặn cái ác, không cho cái ác xảy ra, vì mỗi cái ác xảy ra đều là nỗi đau xót và day dứt của từng gia đình cũng như của xã hội.

Đầu năm mới, xin được chia sẻ vài suy nghĩ về chữ “Người” của Bác Hồ. Nó sâu rộng nhưng cũng rất cụ thể, gần gũi, cho ta một tấm lòng bao dung, rộng lượng hơn giữa mối quan hệ người với người, góp phần đẩy lùi cái ác; hạn chế mặt trái của cuộc sống ở đâu đó người ta còn tính toán, bon chen, nhỏ nhen, ích kỷ; nhân lên, khơi dậy cái thiện trong mỗi chúng ta, xây dựng gia đình, xã hội vì con người, vì mọi người, là trên hết vậy! 

Bích Hà


---------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, tr 216-NXB CTQG, HN-2000. Và tham khảo trong “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Bảo vệ ANTT”-NXB CAND, 2005.

Có thể bạn quan tâm