(GLO)- Lòng hồ Thủy điện Sê San 4 nằm giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, mặt nước long lanh trong vắt, tạo nên một bức tranh thủy mặc giữa vùng rừng núi hùng vĩ còn lắm hoang sơ. Ngoài công dụng chứa nước phục vụ cho nhà máy thủy điện thì Sê San 4 còn là nơi khai thác du lịch rất tuyệt vời. Ai đến lần đầu cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa tự nhiên vừa có sự cộng lực của con người. Chắc chắn trong tương lai không xa, nguồn tài nguyên này sẽ được khai thác để thu hút khách thập phương vì đã có đường giao thông thuận tiện.
Một góc làng chài trên sông Sê San. Ảnh: internet |
Đến đây, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nguồn thủy sản dồi dào với đủ loại tôm cá. Đêm đến, mặt hồ sáng rực ánh đèn của làng chài. Dân chài ở đây không phải là người bản địa mà là người tứ xứ. Vì kế sinh nhai, họ tìm về đây, chấp nhận cuộc sống lênh đênh bóng nước. 30 hộ gia đình với 100 nhân khẩu ngụ cư trên mặt hồ đều là dân đến từ các vùng đất khác nhau, tít tận đất mũi Cà Mau, An Giang, Hậu Giang đến Bình Dương, Thừa Thiên-Huế... Họ sinh hoạt, ăn ở đều trên những nhà bè, tất cả họp lại như một xóm làng thân thiện, chia sẻ, đùm bọc nhau từ việc lớn đến việc nhỏ.
Anh Nguyễn Văn Truyền (người Hậu Giang) có mặt ở đây đã 7 năm-cho biết: “Tôi và một vài người nghe nói hồ Sê San ở tít tận Tây Nguyên có nhiều cá nên tìm đến. Thấy quả đúng cá ở đây nhiều thật nên tôi chấp nhận xa quê để bám trụ kiếm cái ăn, cái mặc cho con cái. Buổi đầu chỉ có đôi ba hộ sinh sống và hành nghề nhưng đến nay một làng chài được hình thành. Nơi này có nguồn thủy sản dồi dào với những loài quý như: Anh Vũ, cá lăng, cá Sihanouk, cá chạch, cá chép…
Vì sự sống họ đành xa quê để sống cuộc đời bóng nước trên những cái bè, cái rớ. Nhưng khi con người mặc cả với sự sống khổ ải thì vẫn có một niềm vui để tự tin nơi mình đã chọn. Và có lẽ không nơi đâu tình cảm được thể hiện một cách nồng nàn đôn hậu đến thế. Những con cá tươi ròng, những loài rau mọc trên mặt nước đều đem ra đãi khách tạo nên một không gian ấm áp tình người.
Từ những gì được tận hưởng nơi làng chài, qua một đêm cùng chia sẻ, tôi thấu hiểu đời sống lênh đênh bóng nước. Những người chuyên khai thác nguồn lợi thiên nhiên từ sông nước ở vùng kênh rạch miền Tây, ở vùng đầm lầy Thừa Thiên-Huế về đây tạo nên một cái nghề rất mới ở vùng đất Tây Nguyên, gọi là “nậu rớ”.
Từ thực tế, trong ký ức tôi hiện về kỷ niệm tuổi thơ. Quê tôi “cách biển nửa ngày sông” nên cũng hình thành nghề “nậu rớ” để mỗi khi đi chăn trâu cắt cỏ, mỗi lần nghỉ học lũ trẻ con lại rủ nhau leo lên bè rớ để vui chơi cùng bạn bè. Những lần cất rớ, đứa nào cũng vui mừng hò reo khi được nhiều cá tôm. Người dân ở đây sống tách biệt, ít giao lưu với xóm làng trên đất liền trừ khi mang cá tôm lên chợ để bán. Nhưng họ cũng sống rất tình cảm, mỗi khi lũ trẻ chúng tôi ghé thăm thì đều nhận được quà tặng tươi ngon. Chứng tỏ, dù cuộc sống có vẻ tách biệt nhưng họ vẫn mong muốn được mở rộng tình thân trong quan hệ xóm giềng.
Người dân làng chài trên lòng hồ Sê San 4 cũng vậy, họ vô cùng mến khách. Đói nghèo lam lũ đến mấy cũng không một lời than. Họ chỉ ước mơ một điều là tạo dựng một cuộc sống no đủ, ổn định để con em được học hành như những trẻ em khác. Và điều ước này đang dần trở thành sự thật khi mà UBND huyện Ia H Drai (tỉnh Kon Tum) đang hoàn thành thủ tục để cấp đất cho những cư dân này. Hy vọng, làng chài sẽ được duy trì, góp phần tạo nên sức sống mới cho một huyện biên giới còn nhiều khó khăn.
Nguyễn Tấn Hỷ