Xã hội

Vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em vùng đặc biệt khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2019 đến nay, công tác vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em ở các xã đặc biệt khó khăn luôn được các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai quan tâm đúng mức. Nhờ vậy, trẻ em được chăm lo, tạo điều kiện phát triển tốt hơn về nhiều mặt.
Ngày 17-5-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025. Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Sở phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi, vận động các nguồn lực hỗ trợ trẻ em sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn. Sở cũng đã chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội 17 huyện, thị xã, thành phố rà soát, nắm bắt đối tượng và có chính sách hỗ trợ phù hợp, đúng mức. Đồng thời, Sở phối hợp với các địa phương thực hiện chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế, truyền thông về quyền được chăm sóc của trẻ em. Cùng với đó, các địa phương tích cực vận động tổ chức từ thiện triển khai chương trình hỗ trợ trẻ em, nhất là trẻ em tàn tật, mồ côi như: chỉnh hình phục hồi chức năng, tặng xe lăn, xe lắc, giáo dục định hướng, hỗ trợ đời sống, giúp trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Toàn tỉnh có 69.000 trẻ em dưới 16 tuổi đang sinh sống ở 43 xã đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, ở các xã này chỉ mới có 16 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em ở cộng đồng, 42/51 trường mầm non có điểm vui chơi, 11/50 trường tiểu học có trang-thiết bị thể thao, khu vui chơi.

Mục tiêu của Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025 là vận động các nguồn lực xã hội giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em thông qua khám-chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; hỗ trợ trẻ em tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí; hỗ trợ đồ ấm... Từ năm 2019 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh Đoàn triển khai chương trình “1 triệu ly sữa” cho trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận và tặng 62.470 hộp sữa tươi của Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” cho 783 em; tặng 10.000 tập vở của tổ chức Children Action cho học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới. Đồng thời, Sở đề xuất Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 khu vui chơi tại cơ sở với trị giá hơn 200 triệu đồng; tặng 1.159 suất học bổng với tổng trị giá 1,16 tỷ đồng... Đáng chú ý, Sở phối hợp với Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP. Đà Nẵng) tổ chức khám sàng lọc cho 5.005 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và chỉ định phẫu thuật cho 78 em; kết quả có 48 em được phẫu thuật với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng (trong đó 10 em được hỗ trợ kinh phí từ nguồn đảm bảo xã hội lĩnh vực trẻ em và 38 em từ chương trình “Nhịp tim Việt Nam” của tổ chức VinaCapital).
Bà Rcom Sa Duyên (bìa phải)-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tặng quà cho trẻ em mồ côi tại chùa Bửu Châu (TP. Pleiku) từ nguồn vận động hỗ trợ. Ảnh: Đinh Yến
Bà Rcom Sa Duyên (bìa phải)-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tặng quà cho trẻ em mồ côi tại chùa Bửu Châu (TP. Pleiku) từ nguồn vận động hỗ trợ. Ảnh: Đinh Yến
Có con được hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí thành công, bà Vũ Thị Nhân (thôn Huy Hoàng, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) xúc động cho biết: Khi con gái bà là cháu Nguyễn Uyên Nhi bị mắc bệnh tim bẩm sinh, gia đình đã đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Năm 2020, nhờ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ làm thủ tục cũng như vận động tài trợ, cháu Nhi đã được phẫu thuật tim thành công. “Cháu được hỗ trợ 100% chi phí mổ, khoảng 120 triệu đồng. Hiện giờ, cháu đã ổn định sức khỏe và đang học mẫu giáo. Gia đình tôi biết ơn các nhà hảo tâm nhiều lắm! Tôi đã giới thiệu chương trình cho một số người quen biết và họ rất mừng vì cũng được hỗ trợ”-bà Nhân chia sẻ.
Một dấu ấn đậm nét khác đó là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ trẻ em tại 3/9 xã đặc biệt khó khăn thuộc Dự án phát triển toàn diện trẻ thơ; tổ chức truyền thông chương trình “Làm cha mẹ không ai hoàn hảo” với 820 buổi cho 1.315 bậc cha mẹ có con từ 8 tuổi trở xuống. Đơn vị cũng tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về quyền trẻ em; phổ biến Luật Trẻ em; các biện pháp bảo vệ, phòng-chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em… tại các xã đặc biệt khó khăn.
Vấn đề đặt ra hiện nay ở các xã đặc biệt khó khăn là cơ sở vật chất, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chưa phát triển. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên. “Thời gian tới, Sở tiếp tục vận động các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tích cực chung tay chăm lo cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sở mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các ban, ngành và những tấm lòng hảo tâm, sự sẻ chia của cộng đồng doanh nghiệp vào Quỹ Bảo trợ trẻ em, chương trình an sinh để giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi được học tập, vui chơi trong điều kiện tốt hơn”-bà Rcom Sa Duyên cho hay.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm