Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Văn hóa trao đổi của người Jrai trong xã hội truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vùng đất Tây Nguyên huyền thoại đã mang lại những giá trị đặc biệt trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội của con người. Đó là sự trao đổi được diễn ra một cách tự nhiên, bình thường đến mức trở thành nét riêng của các tộc người Tây Nguyên.

Trong tác phẩm “Tọa độ-Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jrai” của nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes có đề cập về sự trao đổi: “Tôi trao cho anh cái này thì anh trao lại cho tôi cái khác”. Như vậy, hoạt động trao đổi ở đây được biểu hiện gần như trong tất cả hoạt động sống của con người.

Trước hết là trao đổi trong hôn nhân. Đây là vấn đề mang tính chất trao đổi giữa người với người, là sự liên kết giữa 2 con người, 2 gia đình, 2 dòng tộc để tạo nên một mối quan hệ mới trong xã hội. Người vợ phải bỏ ra số sản vật tương ứng để đổi lấy sức lao động của người chồng. Ở chiều ngược lại, người chồng về sống ở nhà người vợ và làm lụng, tạo ra gia sản cho gia đình người vợ. Như vậy, việc trao đổi ở đây trên cơ sở tạo ra sự liên kết mới và sự liên kết ấy đã tạo ra sự lưu thông của sản vật cũng như sức lao động của con người. Một hoạt động trao đổi khác gần như mang tính chất nghi lễ bắt buộc trong hôn nhân, đó là sự kiện trao vòng. Trong lễ đính hôn, người con trai, con gái sẽ trao cho nhau chiếc vòng đính hôn (thường là chiếc vòng đồng đeo tay) biểu hiện cho sự thủy chung. Sau khi vòng đồng được trao, nghĩa là hôn ước đã được công nhận, 2 người phải có trách nhiệm với nhau, ai bội ước thì sẽ phải đền bù danh dự cho phía bên kia theo luật tục.

Nghi thức trao vòng trong hôn nhân của người Jrai. Ảnh: Bá Tính

Nghi thức trao vòng trong hôn nhân của người Jrai. Ảnh: Bá Tính

Lao động sản xuất là nơi biểu hiện sự trao đổi một cách rõ nét nhất. Trong xã hội truyền thống, sản xuất nông nghiệp là hoạt động chính yếu, trong đó, trồng trọt có tính chất quyết định để tạo ra của cải vật chất phục vụ đời sống hàng ngày. Theo sự phân chia một cách ngẫu nhiên và rất rõ ràng về người giữ vai trò trong lao động sản xuất, đó là đàn ông làm nghề rèn, đan lát, còn đàn bà dệt vải. Nhưng đó chỉ là sự phân công lao động riêng biệt ở quy mô nhỏ. Còn tùy vào tính chất của công việc, đối với những việc cần nhiều người cùng làm như khai hoang, gieo trồng, thu hoạch… thì đòi hỏi sự chung sức của rất nhiều người (không phân biệt đàn ông hay đàn bà). Đây mặc dù là công việc của một nhà nhưng tính chất hoạt động của việc này là của một tập thể. Và để huy động, tập hợp một số lượng người cùng làm việc trong một khoảng thời gian nhất định, người Jrai có tục trao đổi ngày công lao động. Trên một khoảnh ruộng số ngày công lao động là như nhau, nhưng thay vì một mình làm trong nhiều ngày thì họ lại huy động nhiều người làm trong một vài ngày. Có nghĩa là hôm nay tôi làm cho anh, hôm sau anh làm lại cho tôi. Họ làm không vì tiền, mà làm vì chắc chắn rằng, hôm sau việc nhà mình cũng cần người làm giúp. Trong quá trình lao động, họ quan tâm lẫn nhau, động viên, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng nhau. Dần dần, họ tạo nên sự đoàn kết giữa những người cùng lao động với nhau.

Trong đời sống sinh hoạt, với quan niệm mọi sự vật đều thuộc về thế giới tự nhiên, kết hợp với việc được thiên nhiên ưu đãi, người Jrai trước đây ít có khái niệm làm lụng để dự trữ, tích góp của cải. Hơn nữa, khi làm một việc gì, họ chỉ làm vừa đủ sử dụng, phần còn lại ai muốn lấy thì lấy, muốn dùng thì dùng. Họ không bán các vật dụng, sản vật của mình làm ra cho người khác để đổi lấy tiền mà họ lại trao đổi một cách trực tiếp, lấy vật đổi vật. Hàng hóa trao đổi không giống nhau, người ta không nhận lại một món hàng giống y hệt mà là một món khác tương xứng, có thể là con vật hoặc đồ vật. Việc lấy đồ vật hoặc con vật làm vật ngang giá được thể hiện một cách rõ nét nhất trong việc trao đổi các vật dụng được xem là tài sản lớn trong gia đình, đó là chiêng, ché. Khi hỏi bất kỳ một người nào về bộ chiêng này, cái ché kia hết bao nhiêu tiền thì đều nhận được câu trả lời là được đổi lấy hết bấy nhiêu con trâu, con bò và đôi lúc cả con voi.

Việc trao đổi cũng tồn tại trong tục chia của trong cộng đồng người Jrai. Khi con cái dựng vợ gả chồng, ra ở riêng thì cha mẹ có trách nhiệm phải chia cho người con một vật gì đó có giá trị (không phải là tiền). Đối với người chết, việc chia của cũng được thực hiện như người sống, khi một người qua đời gia đình cũng chia một phần tài sản chung của gia đình cho người chết. Tất cả sự chia sẻ trên thể hiện trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ với con cái hoặc người sống với người chết, nhằm trao đổi hoặc đúng hơn là bày tỏ lòng biết ơn với những người đã gắn bó với nhau lâu dài trong cuộc sống.

Ngày nay, mặc dù nhiều giá trị được quy về bằng tiền, nhưng bản chất “trao đổi” vẫn tồn tại trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Nó như một hiện tượng xã hội tồn tại lâu dài và trở thành nét đặc trưng, một lối ứng xử hết sức văn minh trong nếp sống, lao động, sinh hoạt dung dị của người Jrai từ xưa đến nay.

Có thể bạn quan tâm