Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.

Dưới gốc cây cổ thụ phía cuối làng, già Đinh Văn Hich (60 tuổi) dõi đôi mắt đầy tự hào theo nhịp bước của các thành viên trong đội cồng chiêng. Hôm nay, làng Châu đón khách quý, dân làng cùng nhau hòa chung bài chiêng “Mừng lúa mới” trong niềm hân hoan, phấn khởi.

Già Hich bộc bạch: “36 năm qua, kể từ khi làng Châu được thành lập đến nay, chưa lúc nào, bà con quên tiếng chiêng. Không ai bảo ai, mọi người đều có ý thức tập luyện và bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Người già truyền lại cho thế hệ kế cận. Các cháu nhỏ được nuôi dưỡng trong tiếng chiêng từ lúc lọt lòng mẹ. Đội cồng chiêng của làng cũng theo truyền thống cha truyền-con nối”.

Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) vẫn ngày ngày gắn bó với cồng chiêng. Ảnh: M.K

Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) vẫn ngày ngày gắn bó với cồng chiêng. Ảnh: M.K

Làng Châu cách trung tâm xã Chư Krêy khoảng 10 km, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà dân làng lơ là việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của không gian văn hóa cồng chiêng. Nhiều gia đình vẫn lưu giữ bộ cồng chiêng quý, xem đó như báu vật truyền đời. Già làng Hich tâm sự: “Mỗi nhà thường có bộ chiêng dùng trong những nghi lễ của gia đình. Nếu làng có việc cần dùng, họ đều vui vẻ đồng ý cho mượn”.

Là một trong những người có tài đánh chiêng, anh Đinh Pyek (30 tuổi) trực tiếp chỉ dạy cho các em nhỏ những điệu chiêng truyền thống. Anh bày tỏ: “Mình lớn lên, yêu tiếng chiêng như yêu cây rừng, nhà rông, giọt nước. 8 tuổi, mình đã sử dụng thành thạo cồng chiêng, có thể tấu được giai điệu quen thuộc các bài chiêng như: mừng nhà rông, mừng lúa mới, bỏ mả, đám cưới…”.

Giờ đây, anh Pyek tận tình truyền dạy cho những đứa trẻ trong làng cách cầm dùi, gõ nhịp, kỹ năng diễn tấu của các bài chiêng cơ bản. Mỗi dịp làng có lễ hội, mọi người đều nô nức, phấn khởi để thể hiện tài năng của mình. Cùng với tiếng chiêng trầm hùng, bay bổng, các cô gái Bahnar thả mình trong những vòng xoang uyển chuyển, nhịp nhàng.

“Âm thanh của cồng chiêng luôn khơi dậy trong em nhiều cảm xúc. Trong các vòng xoang nối dài, mọi người di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng, tay thì mô phỏng động tác lao động sản xuất như: làm cỏ, dệt vải, bắt cá, hái rau… vừa gần gũi với cuộc sống và đẹp mắt, sinh động”-em Đinh Thị Brơi (20 tuổi) chia sẻ.

Hầu hết người làng Châu đều biết đánh chiêng, múa xoang. Ảnh: Mai Ka

Hầu hết người làng Châu đều biết đánh chiêng, múa xoang. Ảnh: Mai Ka

Cứ thế, lớp đi trước dẫn đường, thế hệ đi sau “tiếp lửa”, người Bahnar ở làng Châu đang cùng nhau tạo nên sức sống mãnh liệt, bền bỉ cho cồng chiêng. Dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng sau một ngày lao động trên nương rẫy, họ lại cùng nhau đắm chìm trong âm thanh của cồng chiêng.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đinh Văn Đơm cho hay: Đội chiêng làng Châu có 60 thành viên, trong đó có 40 thành viên đội xoang. Người già nhất năm nay tròn 60 tuổi, trẻ nhất mới lên 8 tuổi. Ai cũng được truyền dạy từng bài chiêng rất bài bản, người lớn chỉ dạy cho người nhỏ. Do đó, khi được phân công vị trí đánh cồng, chiêng lớn, nhỏ khác nhau thì họ đều có thể chơi được. Mọi người bảo nhau cùng gìn giữ các giá trị của cồng chiêng.

Trò chuyện cùng P.V, ông Đinh Khoanh-Bí thư Đảng ủy xã Chư Krêy-khẳng định: Cồng chiêng gắn liền với đời sống văn hóa và là linh hồn trong mọi hoạt động lễ hội từ bao đời nay của người Bahnar ở làng Châu.

Nhiều năm qua, cùng với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, bà con ngày càng nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng. Giá trị của cồng chiêng vì thế cũng được gìn giữ tốt hơn, đội ngũ tham gia ngày càng trẻ hóa và duy trì sinh hoạt thường xuyên, tạo thành phong trào sôi nổi.

Ngoài ra, xã còn tổ chức lồng ghép cồng chiêng vào một số nội dung văn hóa khác của địa phương nhằm khơi dậy tình yêu, lòng tự hào của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Có thể bạn quan tâm