(GLO)- “Đây là cố gắng lớn khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý, sự hưởng ứng nhiệt tình của các nghệ nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống”-đó là nhận xét của nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Trưởng ban giám khảo Hội thi văn hóa cồng chiêng năm 2021 qua video clip.
Nhằm tôn vinh, giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đầu tháng 11-2021, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã phát động Hội thi văn hóa cồng chiêng năm 2021 qua video clip. Hội thi thu hút 11 Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao (VHTT và TT) các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia ở 2 thể loại: phóng sự và diễn xướng cồng chiêng. Lần đầu tiên tham gia một hội thi qua video clip nhưng các đơn vị đã cho thấy sự chủ động, sáng tạo và công phu đầu tư từ trang phục, âm nhạc cho đến phong cách thể hiện.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, phần thi diễn xướng cồng chiêng của các đơn vị đã bám sát thể lệ của hội thi với các bài chiêng: Mừng lúa mới, Cúng bến nước, Bỏ mả, Mừng chiến thắng… Cồng chiêng được sử dụng đều là những bộ chiêng hay nhất; trang phục, đạo cụ, hóa trang cũng được chú trọng. Đa số các đơn vị biết kết hợp hài hòa giữa âm thanh và hình ảnh; một số đơn vị còn sử dụng flycam để ghi hình, tạo hiệu ứng thị giác mới lạ, hấp dẫn.
Đặc biệt, không chỉ trình diễn cồng chiêng, một số đơn vị còn phục dựng các nghi thức đi kèm. Anh Đinh A Ngưi-cán bộ Trung tâm VHTT và TT huyện Kbang-cho biết: Đơn vị chọn đội cồng chiêng làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng) để tổ chức tập luyện, tham gia hội thi bởi đây là đội có nhiều kinh nghiệm trình diễn, giữa làng còn ngôi nhà rông truyền thống rất đẹp. Trước khi diễn tấu bài chiêng “Mừng lúa mới”, Trung tâm tổ chức phục dựng nghi lễ đi kèm. Tuy trình diễn trước máy quay thay vì trước đông đảo khán giả nhưng 35 thành viên của đội chiêng vẫn nhập tâm, say mê trong từng nhịp chiêng, điệu múa. Trong video clip, đơn vị còn chú ý chạy phụ đề tiếng phổ thông bên dưới những lời khấn của già làng. Với những điểm cộng đó, Trung tâm VHTT và TT huyện Kbang đã được trao giải A phần thi diễn xướng cồng chiêng.
Chương trình diễn xướng cồng chiêng của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai. Ảnh: Phương Duyên |
Cũng vinh dự đạt giải A phần thi này là Trung tâm VHTT và TT huyện Ia Grai. Bà Puih Nir-thành viên đội cồng chiêng làng Kmong (xã Ia Tô) tham gia nội dung diễn xướng cồng chiêng vui mừng cho hay: Đội có tổng cộng 47 thành viên, ai nấy đều tích cực tập luyện suốt 3 ngày để phục vụ cho việc ghi hình video clip. “Giải A là sự khích lệ rất lớn, giúp bà con có thêm động lực để gìn giữ tiếng cồng tiếng chiêng”-bà Nir phấn khởi nói. Giành giải B của hội thi, Trung tâm VHTT và TT huyện Ia Pa cũng hoàn toàn xứng đáng khi dày công sưu tầm, trình diễn những bài chiêng, dân ca Jrai nổi tiếng của vùng Đông Nam tỉnh là “Ơ ayong Suach” (Ơ anh Suach).
Kết quả, ở thể loại diễn xướng cồng chiêng, Ban tổ chức đã trao 2 giải A cho Trung tâm VHTT và TT huyện Kbang và Ia Grai; 3 giải B cho các huyện Mang Yang, Ia Pa, Chư Păh; 2 giải C cho các huyện Chư Pưh, Chư Prông. Ở thể loại phóng sự, giải A thuộc về Trung tâm VHTT và TT huyện Ia Grai; 3 giải B được trao cho huyện Ia Pa, Mang Yang và TP. Pleiku; 4 giải C thuộc về huyện Chư Pưh, Chư Prông, Phú Thiện, Krông Pa. |
Với thể loại phóng sự, các đơn vị đã phản ánh đậm nét quyết tâm bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự đồng lòng của người dân-chủ thể thực hành và bảo tồn văn hóa. Ở phần nội dung này, Trung tâm VHTT và TT huyện Ia Grai tiếp tục được xướng tên ở giải A với phóng sự “Neo giữ hồn chiêng”. Với kết quả này, UBND huyện đã quyết định khen thưởng đột xuất cho các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Huyện Ia Pa nhận thêm giải B với phóng sự “Để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang”. Huyện Mang Yang cũng lập thành tích ngoài mong đợi khi được trao 2 giải B ở cả phần thi diễn xướng cồng chiêng và phóng sự “Người giữ hồn văn hóa dân tộc”. Vui mừng trước kết quả đạt được, bà Lê Thị Thanh Thủy-Giám đốc Trung tâm VHTT và TT huyện Mang Yang-cho biết: “Đội cồng chiêng được chọn ghi hình video clip là của làng Đak Bớt (xã Đak Trôi), nơi còn lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống khá tốt. Bà con phối hợp thực hiện sản phẩm rất nhiệt tình. Trước đó, cồng chiêng đều được mang ra chỉnh sửa cho thật chuẩn âm. Phần thi phóng sự cũng được chăm chút cẩn trọng. Hội thi này rất ý nghĩa, góp phần động viên các nghệ nhân gắn bó với sự nghiệp bảo tồn văn hóa truyền thống”.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San không tổ chức lễ tổng kết, trao giải mà nhờ UBND các huyện, thị xã, thành phố trao thưởng cho các đơn vị đạt giải. Các tác phẩm được lưu trữ và quảng bá rộng rãi để các địa phương trong tỉnh tham khảo, học hỏi lẫn nhau.
PHƯƠNG DUYÊN